ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG: TỰ HÀO MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG

Cách đây tròn 75 năm, ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội đã diễn ra trên phạm vi cả nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thế kỷ XX đi vào lịch sử dân tộc với những trang vàng chói lọi. Mùa thu năm 1945, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, với tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề Tổng tuyển cử bầu quốc dân đại hội, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất cho quyền lực nhân dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của cách mạng nước ta. Người nói: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ… mà muốn có hiến pháp thì phải có Quốc hội”. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 14/SL và những sắc lệnh khác để xúc tiến việc chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, dự thảo Hiến pháp.

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Lời kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử: “… Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của ngày hội non sông, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối trong nước.

Cuộc tổng tuyển cử đã thắng lợi rực rỡ, đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở Việt Nam. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra nhà nước của mình, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sau 75 năm (từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên), Quốc hội nước ta đã trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động. Quốc hội không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Những thành tựu đạt được của Quốc hội có phần đóng góp không nhỏ của các Đoàn ĐBQH và ĐBQH qua các thời kỳ. Quá trình phát triển của Đoàn ĐBQH tỉnh gắn quá trình phát triển của Quốc hội và lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh. Trải qua các nhiệm kỳ của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 85 đại biểu tham gia Quốc hội, trong đó có 44 đại biểu là người Cao Bằng.

Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, duy trì và thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Quốc hội và chế độ làm việc theo Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH; thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện; thường xuyên tăng cường mối quan hệ công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh và các cơ quan của Quốc hội.

Tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức có hiệu quả việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân vào các dự thảo luật; hoạt động giám sát, khảo sát; tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Với trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân, các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh còn quan tâm đến công tác xã hội, nhân đạo từ thiện tại địa phương. Trong 14 nhiệm kỳ hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại diện cao nhất của cử tri ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh còn một số hạn chế. Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Quốc hội tăng cường cung cấp sớm những thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động của ĐBQH. Tạo điều kiện để ĐBQH, Đoàn ĐBQH sớm được tiếp cận với dự thảo luật và các tài liệu tham khảo liên quan đến dự án luật, từ đó huy động các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học ở địa phương tham gia đóng góp ý kiến kịp thời, sâu rộng, thiết thực và chất lượng. Hạn chế điều chỉnh bổ sung chương trình xây dựng luật, nghị quyết tại mỗi kỳ họp để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, hoàn thiện văn bản tại kỳ họp.

Trong việc chuẩn bị Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, cần chú ý đảm bảo tính khả thi. Khi xây dựng chương trình, cơ quan soạn thảo cần giải trình cụ thể các nội dung về sự cần thiết, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng dự án luật, tính khoa học trong việc xây dựng thứ tự ưu tiên, các điều kiện vật chất để đảm bảo xây dựng đúng tiến độ..., để ĐBQH có cơ sở xem xét, quyết định.

Tiếp tục đổi mới công tác chất vấn và trả lời chất vấn, cải tiến phương thức chất vấn, tăng thời gian chất vấn để ĐBQH đặt được nhiều câu hỏi chất vấn, đồng thời nâng cao chất lượng, nội dung trả lời của người trả lời chất vấn. Xem xét điều chỉnh chương trình giám sát khi giao Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố thực hiện tại các địa phương cân đối thời gian phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho các Đoàn ĐBQH triển khai tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho ĐBQH; quan tâm tới công tác quy hoạch, chế độ, chính sách và thi đua, khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách đảm bảo công bằng để khuyến khích, động viên ĐBQH chuyên trách yên tâm công tác, cống hiến trí tuệ, sức lực cho hoạt động Quốc hội.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo cho ĐBQH, nhất là đối với ĐBQH chuyên trách. Bảo đảm các điều kiện hoạt động của ĐBQH chuyên trách cần chú trọng đến việc quy định cụ thể các chính sách, chế độ trong thời gian đương nhiệm và các chính sách, chế độ sau khi hết nhiệm kỳ hoặc thôi làm nhiệm vụ ĐBQH, tạo sự động viên, điều kiện tốt nhất cho ĐBQH chuyên trách thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Có cơ chế tài chính thỏa đáng trong việc thuê, hợp đồng, khoán việc đối với chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực nhằm trợ giúp hoạt động cho đại biểu.

Đề nghị Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH và Văn phòng trong các hoạt động tại địa phương như công tác quy hoạch cán bộ đối với các ĐBQH và cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH, ĐBQH, đặc biệt là việc thông tin 2 chiều, đôn đốc thực hiện, trả lời các kiến nghị của Đoàn được chuyển bằng văn bản qua hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật và công tác dân nguyện./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51156