ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Ngày 10/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị

Tại Hội nghị, đa số các ý kiến đều tán thành với bố cục, nội dung dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời cũng đóng góp ý kiến bổ sung, làm rõ một số nội dung. Cụ thể: Về đối tượng áp dụng, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 1 theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Nếu quy định này được cụ thể hóa trong luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện được thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động ở địa phương.

Về chính sách của Nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4) đề nghị bổ sung nội dung: “Có chính sách tín dụng ưu đãi cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo”, bởi nó sẽ khuyến khích và tháo gỡ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo tham gia đi lao động ở nước ngoài. Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, dự thảo luật nên xem xét mở rộng đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp dịch vụ thay vì quy định không quá 03 đơn vị tại Khoản 3, Điều 17. Lý do là việc cho phép các doanh nghiệp được mở thêm các đơn vị phụ thuộc tại các địa phương sẽ hạn chế tình trạng môi giới trung gian tại các địa bàn khó khăn, cũng có nghĩa sẽ giảm bớt tình trạng người lao động bị lừa hoặc mất nhiều chi phí cho việc được ra nước ngoài lao động theo hợp đồng.

Đại biểu đánh giá, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mang lại tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, góp phần giảm nghèo cho người dân. Để làm tốt kênh giải quyết việc làm này, dự thảo luật cần có những quy định cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là chính sách hỗ trợ về lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo; có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài. Nhưng mặt khác cũng cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi đưa người lao động ra nước ngoài, siết chặt quản lý người lao động ở nước ngoài để tránh người lao động phá vỡ hợp đồng. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo luật nên giao cho bộ, ngành cụ thể quản lý và sử dụng người lao động về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài...

Toàn bộ ý kiến đóng góp tại hội nghị đều được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tiếp thu, tổng hợp trình gửi Quốc hội vào kỳ họp tới phục vụ công tác xây dựng luật./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=48217