ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Chiều ngày 30/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn gồm các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND tỉnh về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tham mưu cho UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Việc tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo ngành GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, xác định nhu cầu đội ngũ giáo viên; hướng dẫn các trường lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất - thiết bị dạy học.

Năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh có 310 lớp 1 với 5.993 học sinh. Đối với việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học, hiện nay, khung chương trình và đề cương chi tiết của tài liệu đã hoàn thành. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông, hiện đang triển khai thực hiện theo tiến độ.

Những điểm tồn tại, hạn chế của tỉnh hiện nay là việc xóa điểm lẻ trường ở cấp tiểu học khó thực hiện được nhất là đối với các lớp 1, 2 (hiện trên toàn tỉnh hiện còn 221 điểm trường lẻ bậc tiểu học); do có nhiều điểm trường lẻ nên thiết bị dạy học cho chương trình, sách giáo khoa mới khó đáp ứng được yêu cầu dạy và học; công tác tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn bị cho thực hiện chương trình sách giáo khoa mới triển khai còn chậm so với kế hoạch.

Tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh làm rõ việc chuẩn bị chương trình sách giáo khoa mới và các điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, còn thiếu phòng học tin học, ngoại ngữ, khó khăn về nhà nội trú, bán trú, thiếu giáo viên tiếng Anh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Duy Chinh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị sách giáo khoa mới thật chu đáo, bảo đảm phù hợp với địa phương. UBND tỉnh cần triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, xây dựng cơ chế đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Làm tốt công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh học sinh và toàn thể Nhân dân để tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thực hiện cho tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.

Tất cả các ý kiến, kiến nghị về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được Văn phòng Đoàn ĐBQH tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=47364