Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thảo luận về 2 dự án Luật: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, sáng 12-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sáng 12-6.

Thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo có nhiều điểm mới, tiến bộ, cơ bản cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật lần này là bước tiến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, giảm quy định rườm rà, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cơ bản nhất trí với dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, dự thảo Luật đã giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra và bảo đảm tính pháp lý của công tác quản lý nhà nước đối với công tác xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Về khái niệm xuất cảnh, nhập cảnh, đại biểu cho rằng, phần giải thích từ ngữ như trong dự thảo Luật mới chỉ là việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bằng con đường hợp pháp, do đó, cần giải thích bổ sung với hoạt động xuất nhập cảnh bất hợp pháp của công dân Việt Nam. Đại biểu cũng nêu thực tế, hiện nay nhiều người dân Việt Nam xuất cảnh trái phép, nhiều người Việt Nam nhập cảnh qua nước bằng các đường tiểu ngạch nhất là với láng giềng có đường biên giới quân sự quốc gia. Nếu giải thích vậy sẽ phù hợp với khoản 5 Điều 4 về các hành vi bị cấm vì trong đó có quy định xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng cho rằng, khái niệm hộ chiếu được quy định tại khoản 5 Điều 2 và khoản 3 Điều 6 của dự thảo Luật là chưa thống nhất. Dự thảo Luật quy định hộ chiếu là tài sản thì không thống nhất với quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự, cũng như quy định của Bộ luật Hình sự về đối tượng tác động của tội xâm phạm sở hữu. Nếu quy định hộ chiếu là tài sản thì hành vi chiếm đoạt hộ chiếu có coi là phạm tội xâm phạm sở hữu không? Thực tế xét xử chưa bao giờ chúng ta phải xét xử hành vi chiếm đoạt hộ chiếu người khác về tội xâm phạm sở hữu. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.

Đề cập đến các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, đại biểu cho rằng, việc cần thiết phải quy định cụ thể trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ trong Luật vì thực tế áp dụng nghị định của Chính phủ về quy định này thời gian qua không có gì vướng mắc. Mặt khác, các chức danh được cấp hộ chiếu và chức vụ đề nghị cấp các loại hộ chiếu này luôn ổn định, không bị xáo trộn. Hơn nữa, chỉ có quy định cụ thể như vậy mới phù hợp với Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đối với các chức danh, chức vụ cần rà soát lại để bảo đảm tính chính xác và sự cần thiết. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao như người làm công tác cơ yếu vì người làm công tác này xuất phát từ nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia hoặc một số chức danh lãnh đạo khác như: các đồng chí lãnh đạo của tổ chức liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật…

Về các trường hợp tạm hoãn xuất, nhập cảnh, khoản 4 Điều 28 dự thảo Luật quy định người có nghĩa vụ trong vụ án dân sự, kinh tế, hành chính... thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu cho rằng, quy định này là không chính xác về mặt ngôn ngữ với pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, không bảo đảm tính khả thi, có thể xâm phạm quyền công dân. Bởi, trong các văn bản tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chỉ có nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng mà không có người có nghĩa vụ trong vụ án. Nếu quy định như dự thảo Luật thì người làm chứng trong các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính cũng thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo Luật cũng sẽ dễ bị diễn giải theo ý chủ quan và lạm dụng trong việc xác định nguyên nhân tạm hoãn xuất cảnh, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các trường hợp bị tạm xuất cảnh để phòng ngừa, ngăn chặn việc công dân thuộc diện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước như: trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân. Cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và có các quy định bổ sung để tránh bị lạm dụng, lợi dụng, nhất là những quy định liên quan đến các vụ việc, vụ án dân sự, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện pháp luật của Nhà nước, đại biểu đề nghị.

Chiều 12-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hôịđã cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 12-6.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nhấn mạnh, Bộ luật Lao động là luật gốc điều chỉnh mọi vấn đề về lao động, việc làm trong đó có tuổi nghỉ hưu. Quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật lao động là cơ sở để dẫn chiếu áp dụng chung cho mọi đối tượng lao động, trong đó có nhóm lao động trong các luật chuyên ngành như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công an nhân dân, Luật Sỹ quan quân đội nhân dân. Về tuổi nghỉ hưu, điều 170 của dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, cả hai phương án dự thảo nêu ra đều quy định mốc tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam đủ tuổi lao động từ 62, nữ đủ 60. Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, mức quy định như vậy là phù hợp với khả năng lao động, quá trình già hóa dân số, hội nhập quốc tế và thể chế hóa tinh thần của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trong hai phương án dự thảo Luật đưa ra tại khoản 1 và khoản 2 Điều 170, theo đó, phương án 1 dự thảo Luật quy định: kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đồng tình với phương án này, ĐB Cầm Thị Mẫn cho rằng, theo lộ trình này sau 15 năm độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới đạt 60 và sau 8 năm mới đạt 62. Quy định này không làm hạn chế chỗ làm việc của người lao động bước vào tuổi lao động, đồng thời đủ thời gian cải thiện điều kiện lao động và sức khỏe cho người lao động và hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.

Cho ý kiến về việc bổ sung một ngày nghỉ lễ là ngày thương binh liệt sỹ 27-7 dương lịch của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, việc bổ sung một ngày nghỉ lễ là 27-7 hàng năm là hợp lý để người lao động có thêm một ngày nghỉ thực hiện các hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước, đồng thời có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm bao quát được đối tượng người có công và phù hợp với mục đích quy định của ngày nghỉ này, cần đặt tên ngày nghỉ là ngày tri ân người có công với nước, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị.

Cho ý kiến về dự thảo Luật này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) nhận định, dự thảo Bộ luật Lao động lần này đã bổ sung, sửa đổi nhiều điều khoản mang lại lợi ích tốt hơn cho người lao động trên cơ sở những chính sách, những thành tựu về phát triển đất nước trong những năm qua.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 12-6.

Về mở rộng mở rộng khung làm thêm giờ tối đa theo quy định tại điểm c, khoản 2 điều 108 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ rất đồng tình khi luật mở rộng khung làm thêm giờ. Thông qua đó, các doanh nghiệp không cần tuyển thêm lao động và giảm được chi phí về các chính sách chăm lo cho công nhân, không mất tiền trang bị máy móc, thiết bị để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập cho người lao động. Đối với công nhân, những người đi làm việc xa gia đình, lao động đơn thân thì họ chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập. Còn đối với công nhân có điều kiện làm việc ở nơi công xưởng, nhà máy gắn với quê hương thì họ không mong muốn làm thêm giờ bởi vì phía sau giờ làm hàng ngày, họ đang còn bao nhiêu việc phải lo toan như chuyện "mẹ trông, con ngóng"…

Theo điểm c khoản 2 điều này, người lao động có quyền thỏa thuận với chủ doanh nghiệp về thời giờ làm thêm, nhưng theo ĐB Mai Sĩ Diến, thực tế làm gì có một sự thỏa thuận công bằng khi người ra điều kiện là những người trực tiếp quản lý và trực tiếp trả lương, còn công nhân chỉ là những người lao động bình thường và luôn sợ mất việc làm hàng ngày? Cho rằng, mục tiêu tăng lương, giảm giờ làm, một mục tiêu đầy tính nhân văn và văn minh của cả nhân loại, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc nếu phải mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như điểm c khoản 2 Điều 108 thì phải kèm thêm điều kiện là việc trả công cho người lao động phải được tính theo lũy tiến.

Về bồi thường thiệt hại, dự thảo Luật có quy định trường hợp người lao động gây thiệt hại do lỗi vô ý với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật này, ĐB Mai Sĩ Diến cho rằng, quy định này không có ý nghĩa đối với doanh nghiệp cố tình phạt công nhân. Bởi vì, doanh nghiệp sẽ có cách tính toán để quy lỗi vi phạm không cố ý vượt quá 10 tháng lương tối thiểu và điểm này người lao động phải bồi thường 100%. Nếu có giá trị thiệt hại dưới 10 tháng lương tối thiểu thì người sử dụng lao động sẽ chia nhỏ ra nhiều lỗi và áp dụng phạt đến 3 tháng lương. Mặt khác, việc bù lỗi vô ý hay cố ý phụ thuộc ý thức chủ quan của người sử dụng lao động, người lao động khó chứng minh mình phạm lỗi do vô ý như luật quy định.

Đây là bộ luật có tác động rất lớn đối với người lao động, vì tính bao quát của bộ Luật, dự án Luật nên thông qua 3 kỳ họp để tập hợp đầy đủ hơn ý kiến của người lao động, các chuyên gia và nhiều đại biểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sĩ Diến nêu quan điểm.

Hà An

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/doan-dbqh-thanh-hoa-thao-luan-ve-2-du-an-luat-luat-xuat-canh-nhap-canh-cua-cong-dan-viet-nam-va-bo-luat-lao-dong-sua-doi/102571.htm