Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan TP trước Kỳ họp thứ 6

Chiều 9/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cùng dự có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu…

Báo cáo với Đoàn ĐB Quốc hội TP về tình hình phát triển kinh tế xã hội của TP 9 tháng đầu năm 2018, đại diện UBND TP cho biết: 9 tháng qua, kinh tế của Hà Nội tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (GRDP ước tăng 7,17%); quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được đẩy mạnh; lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều phát triển; công tác nội vụ, nội chính và đối ngoại có chuyển biến tích cực, toàn diện. Ước cả năm 2018, Hà Nội sẽ đạt và vượt kế hoạch 19/20 chỉ tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành… Dù vậy, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế mà thành phố chậm, chưa khắc phục được.

Ủy viên Bộ Chính trị,Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hải

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trên địa bàn, đại diện UBND TP Hà Nội kiến nghị Đoàn ĐB Quốc hội TP đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về một số lĩnh vực cụ thể như: Đề nghị Chính phủ quy định “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; đề nghị hoàn thiện quy định để thực hiện quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy; hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý taxi.
Hà Nội cũng đề nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về phân cấp, ủy quyền thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thủ đô và các văn bản luật, Nghị định chuyên ngành để địa phương có cơ sở thực hiện. Trong đó, khi xây dựng, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có một chương về Thủ đô. Đề xuất khi sửa đổi Luật Thủ đô, quan tâm đến việc xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, thông minh.
Đặc biệt, về hoạt động giám sát tối cao, trong thời gian qua, việc quản lý, mua bán nhà chung cư, nhà ở xã hội tại các địa phương có nhiều bức xúc từ phía người dân. Vì thế, UBND TP Hà Nội đề nghị Đoàn ĐB Quốc hội TP đề xuất với Quốc hội xem xét đưa nội dung giám sát việc thi hành Luật Nhà ở, Luật Xây dựng vào chương trình giám sát của Quốc hội.
Thông tin với Đoàn về những kiến nghị của cử tri với Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Dương Cao Thanh cho biết: Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô, cử tri và Nhân dân Hà Nội đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng và chính quyền đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối…
Về kinh tế xã hội, cử tri và Nhân dân Thủ đô kiến nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng sử dụng chất cấ trong chăn nuôi, sản xuất chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các trường học lạm thu đầu năm học; siết chặt tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; minh bạch hóa công tác quản lý đất đai. Đặc biệt, cử tri lo lắng, bất an trước tình trạng cháy nổ…
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng thông tin với Đoàn về kết quả của ngành và kiến nghị về việc rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, lãnh đạo Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, Tòa án Nhân dân hai cấp thành phố đã thụ lý 28.305 vụ án, giải quyết 21.013 vụ, đạt tỷ lệ 74,24%. So với cùng kỳ 2017, số vụ thụ lý tăng 11,15%, số vụ giải quyết tăng 10,95%. Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đề nghị Đoàn ĐB Quốc hội TP đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và TAND Tối cao phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp giúp Tòa án Nhân dân TP Hà Nội hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao; kiến nghị với Quốc hội sửa đổi một số quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn như quy định thay đổi thẩm quyền giám đốc thẩm tái thẩm bản án, hay quy định thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính.
Về công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2018, đã phê chuẩn quyết định khởi tố 8.851 bị can. Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ, Viện Kiểm sát nhân dân TP đề nghị Đoàn ĐB Quốc hội đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là đất đai, nhà công vụ tại các đô thị lớn; tổ chức giám sát, xác định rõ những bất cập, lỗ hổng trong hoạt động kiểm sát đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa có cơ chế thay thế sau khi bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát Nhân dân…

Cuộc làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội

Trao đổi với lãnh đạo TP, các ĐB Quốc hội đề nghị Hà Nội cụ thể hơn nữa về những vấn đề cần phối hợp giữa Đoàn và các ngành của TP. Thông tin đến ĐB các nội dung về quản lý các chung cư cao tầng, cấp sổ đỏ… để truyền tải tới cử tri và giam sát thực hiện. Trước thực tế các ĐB vẫn nhận được nhiều đơn thư từ người dân, có ý kiến đề nghị TP tiếp tục xử lý tốt vấn đề đơn thư, kiến nghị cử tri từ cơ sở.
Trước vấn đề các ĐB Quốc hội đưa ra, liên quan đến quản lý chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, ngay từ đầu năm, TP đã chỉ ra 5 tồn tại quản lý nhà chung cư. Hiện TP và các quận huyện đang vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt để khắc phục hạn chế, xử lý sớm các vấn đề tồn tại và phát sinh.
Kết luận cuộc làm việc, với cương vị Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Đoàn sẽ tiếp thu các kiến nghị của TP và truyền tải tới diễn đàn Quốc hội.
Với cương vị lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy cũng tiếp thu những đóng góp của các ĐB Quốc hội với Hà Nội. Theo Bí thư Thành ủy, những nội dung các ĐB đưa ra cũng là vấn đề TP đang rất quyết liệt triển khai. Như về quản lý chung cư, sau khi HĐND TP giám sát, Thành ủy quyết định sẽ ban hành một Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này. Bí thư Thành ủy nhận định: Trước áp lực về dân cư, nên việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân là yêu cầu lớn đặt ra và chung cư là giải pháp. Tuy vậy, việc nhà ở chung cư phát triển nhiều, đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong quản lý. Ngoài các nội dung quản lý theo quy định, TP đã chỉ đạo quy định về xây dựng nếp văn hóa ứng xử nội quy trong chung cư. “Đây là vấn đề lâu dài đặt ra với đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP đã nhìn thấy và quyết tâm xử lý. Việc này đòi hỏi trách nhiệm vào cuộc của cả cấp ủy dảng, chính quyền các cấp”- Bí thư Thành ủy nói.
Về giải quyết khiếu nại, tổ cáo, Bí thư Thành cũng cho biết, TP đã có Chỉ thị về trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đang triển khai xây dựng chính quyền đô thị để nâng hiệu lực, hiệu quả và đủ năng lực giải quyết tốt các nhu cầu của người dân.

Hà Bình - Thanh Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-ha-noi-lam-viec-voi-cac-co-quan-tp-truoc-ky-hop-thu-6-327061.html