Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sắp tới, sáng 17-10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phạm Thị Thanh Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo hiệp hội một số doanh nghiệp.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan nội dung cơ bản của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều (giảm 22 điều so với hiện hành). Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng của Bộ luật. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như thời gian lao động, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; thương lượng và thỏa ước lao động tập thể; tranh chấp lao động, đình công; lao động nữ và bình đẳng giới; vấn đề tiền lương; bữa ăn ca đối với công nhân lao động; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại các doanh nghiệp; vấn để tuổi nghỉ hưu đối với người lao động; ưu đãi đối với cán bộ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Bộ luật Lao động là một bộ luật lớn, tác động đến nhiều đối tượng và có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác, vì vậy, việc sửa như thế nào để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo tính khả thi là vấn đề phải xem xét kỹ lưỡng. Các đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu. Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, chuyển đến Quốc hội để có phương án sửa đổi Bộ luật một cách hợp lý, hiệu quả.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thanh-hoa-lay-y-kien-gop-y-vao-du-thao-bo-luat-lao-dong-sua-doi/109020.htm