ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐẮK LẮK ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG VÌ LỢI ÍCH CỦA CỬ TRI

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có nhiều đổi mới, ngày càng xứng đáng với vai trò của những người đại biểu dân cử, góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam.

Tăng cường công tác giám sát

Thực hiện chức năng giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động, chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 11 cuộc giám sát chuyên đề và tham gia 6 cuộc giám sát với các đoàn giám sát của Trung ương tổ chức tại địa phương.

Các chuyên đề giám sát đều là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: Việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân đối với UBND huyện Ea Súp; việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, hoa màu, cây trồng trên đất bị thiệt hại khi triển khai xây dựng Dự án Thủy điện Buôn Kuốp (huyện Krông Ana); việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018; tình hình thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 – 2020; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh...

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê (thứ hai từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác giảm nghèo tại buôn Tul B (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê (thứ hai từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác giảm nghèo tại buôn Tul B (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê, nhìn chung, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã có chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Qua giám sát đã phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập, chồng chéo trong thực hiện chính sách, pháp luật... Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi 108 kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Những kiến nghị sau các cuộc giám sát cơ bản đã được các cơ quan Trung ương liên quan tiếp thu, đưa vào nội dung nghị quyết. Những kiến nghị liên quan đến địa phương đều được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, khắc phục, chấn chỉnh.

Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri

Xác định nhiệm vụ tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những nội dung quan trọng, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức tiếp xúc cử tri theo đúng quy định của pháp luật. Tại các hội nghị TXCT, các tổ ĐBQH tỉnh báo cáo đầy đủ với cử tri chương trình, nội dung chuẩn bị kỳ họp và kết quả của kỳ họp; kết quả tổng hợp và trả lời những kiến nghị của cử tri, của các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, tại các hội nghị TXCT đều có lãnh đạo của các sở, ngành, huyện, xã tham dự nên những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được giải trình, trả lời, giải quyết ngay tại cuộc tiếp xúc.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 18 đợt gồm 140 hội nghị TXCT với hơn 23.000 lượt cử tri tham dự và 2.950 lượt ý kiến phát biểu. Trong tổng số 2.950 ý kiến, kiến nghị có 2.023 kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương và 927 kiến nghị thuộc thẩm quyền các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có nhiều đổi mới, ngày càng xứng đáng với vai trò của những người đại biểu dân cử, góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri huyện M'Drắk trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có trên 120 văn bản trả lời cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Các văn bản trả lời có trách nhiệm, thấu tình đạt lý, đáp ứng được phần nào những vấn đề mà cử tri quan tâm. Những nội dung kiến nghị có tầm chiến lược, vĩ mô đã được thể hiện trong cơ chế chính sách đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng như: bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa; dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2026 về nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua tỉnh Đắk Lắk; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…/.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=51033