ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC KẠN LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ

Chiều 11/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tỉnh Bắc Kạn tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tỉnh Bắc Kạn tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 39 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Góp ý vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ý kiến các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, nội dung, bố cục của dự án luật, nhất là về chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý bằng số định danh cá nhân. Tuy nhiên, có một số câu từ, thuật ngữ và một số nội dung quy định trong dự thảo luật cần được làm rõ, thay đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể: Đại biểu đánh giá cao quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy chuyển sang sử dụng sổ hộ khẩu điện tử, tuy nhiên một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm có hiệu lực của luật là từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay trên thực tế, do vậy cần có giai đoạn chuyển tiếp cho việc chuyển đổi. Đối với quy định về diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người tại Điểm B, Khoản 3, Điều 21 thì công dân mới đủ điều kiện đăng ký thường trú, đại biểu đề nghị cần xem xét điều chỉnh bởi thực tế, điều kiện về kết cấu hạ tầng của nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét lại quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục, bởi nó có thể ảnh hưởng đến thực hiện quyền và thủ tục hành chính của công dân trong trường hợp nhận thức của công dân về vấn đề trên còn hạn chế. Góp ý về câu, từ và một số thuật ngữ sử dụng trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần sử dụng thống nhất và tránh dùng văn nói trong luật…

Toàn bộ ý kiến đóng góp tại hội nghị đều được Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp thu, tổng hợp trình gửi Quốc hội vào kỳ họp tới phục vụ công tác xây dựng luật./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=48247