Đoạn cuối cuộc chiến Syria

Những ngày này, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về 'trận tử chiến cuối cùng tại chảo lửa Idlib', với nhiều hoài nghi: Nhân tố nào sẽ quyết định cho cuộc chiến kéo dài đã hơn 7 năm tại Syria. 'Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến đã đến lúc phải kết thúc'- Reuters đưa ra bình luận.

Những người ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Con đường dẫn tới chiến tranh

Nói tới cuộc chiến tại Syria, với những góc nhìn và quyền lợi khác nhau, người ta đưa ra những nguyên nhân khác nhau. Cuộc nội chiến tại đây chính thức bắt đầu vào tháng 4/2011 khi quân đội can thiệp vào đoàn người biểu tình hòng lật đổ Chính phủ của ông Bashar al-Assad.

Tháng 7/2011 lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) thành lập từ sự hợp nhất của nhiều thành phần phức tạp. Từ đó cuộc nội chiến chính thức chia thành hai phe: lực lượng nổi dậy và phe của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cũng từ đó, FSA liên tục tấn công nhằm vào quân đội Chính phủ, đồng thời liên tục đưa ra những cáo buộc quân đội Chính phủ hành quyết phe đối lập và thường dân.

Cho tới ngày 12/4/2012, hai bên lần đầu tiên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã sớm tan vỡ vào ngày 5/5/2012, khi quân nổi dậy tấn công vào quân đội Chính phủ trên khắp lãnh thổ Syria.

Ngày 1/6/2012, Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố sẽ đè bẹp mọi cuộc tấn công của quân nổi dậy. Cuộc chiến leo thang ác liệt trên cả nước. Syria chìm trong hỗn loạn. Và cũng có thể nói, kể từ thời điểm này cuộc chiến Syria bắt đầu “quốc tế hóa”. Từ tháng 7 đến tháng 10/2012, chiến sự diễn ra ác liệt ở Damascus và Aleppo, khiến cả hai bên đều tổn thất nặng nề. Đáng chú ý, tháng 12/2012 Mỹ lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria dùng tên lửa đạn đạo SCUD bắn vào quân nổi dậy.

Cho tới đầu tháng 6/2013, nhiều nước phương Tây- đứng đầu là Mỹ, Pháp, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ- đã cho rằng Chính phủ của ông Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong giao tranh. Tiếp đó, phương Tây chính thức công khai viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Chiến trường Syria tàn khốc hơn bao giờ hết.

Trước đó, đáng chú ý, ngày 19/3/2013, một bản báo cáo cho rằng một tên lửa Scud với đầu đạn hóa học đã được bắn vào huyện al-Assal ở Aleppo và Al Atebeh ở ngoại ô Damascus. Cáo buộc này được coi như nhắm trực diện vào Nga. Cho tới tháng 7, sau khi tiến hành nhiều cuộc điều tra, Nga đã đưa ra kết luận đó là loại đạn không chuẩn, đồng thời lên án phe đối lập đã dùng vũ khí này.

Gần như ngay sau đó, ngày 13/4/2013, Anh tuyên bố tìm thấy chứng cứ có sử dụng vũ khí hóa học ở Syria thông qua xét nghiệm mẫu đất được vận chuyển từ Syria.

Tổng thống Bashar al-Assad cương quyết gạt bỏ mọi lời buộc tội và tuyên bố rằng chính phe đối lập mới là những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, là những kẻ khủng bố đứng sau mọi màn kịch tấn công hóa học ở Syria. Ông Bashar al-Assad cũng tỏ rõ thái độ không hề mềm mỏng trước những lời đe dọa can thiệp quân sự từ phương Tây khi tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng và đè bẹp quân nổi dậy bằng những quả đấm thép.

Nga, đồng minh thân cận nhất của Syria cũng cho rằng các bằng chứng của Mỹ không có giá trị vì không khách quan. Nga cũng bỏ phiếu chống khi HĐBA nghị sự về việc can thiệp vào Syria. Ngoài Nga, Syria cũng nhận được sự ủng hộ từ Iran và Trung Quốc.

Ngoài vũ khí hóa học, phe đối lập và các nước phương Tây ủng hộ phe đối lập và Mỹ còn lên án Chính phủ Syria sử dụng bom chùm và tên lửa đạn đạo Scud - những loại vũ khí bị hạn chế - trong giao tranh, gây thương vong lớn cho dân thường.

Tuy nhiên, Chính phủ Syria đã tố cáo Mỹ và các nước đồng minh tiếp tay cho lực lượng khủng bố trà trộn trong quân nổi dậy Syria tàn sát dân thường. Thậm chí, còn đưa ra bằng chứng việc CIA đào tạo quân nổi dậy FSA, cũng như đặt dấu hỏi lớn về việc những vũ khí hóa học sử dụng tại Syria thực chất có nguồn gốc từ đâu và ai mới là người đứng sau tất cả những vụ tấn công đẫm máu vô nhân đạo này.

Cũng vào thời điểm đó, một đồng minh của Syria- Iran- đã tuyên bố sẽ hủy diệt Israel, đồng minh sát sườn của Mỹ và rằng chiến tranh thế giới III sẽ bùng nổ nếu Mỹ vẫn kiên quyết can thiệp vào Syria. Tới cuối 2013, quy mô và tính chất của cuộc chiến đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bất cứ quốc gia nào.

Những người đàn ông cứu trẻ em khỏi một vụ tấn công tại thành phố Aleppo, năm 2015.

Thời điểm thay đổi

Cuộc chiến thực sự thay đổi vào thời điểm tháng 9/2015, khi Nga chính thức thực hiện chiến dịch không quân giúp Chính phủ Syria phục hồi những địa điểm trọng yếu, trong đó có thành phố lớn thứ hai đất nước này là Aleppo và khu vực nổi loạn Đông Ghouta ngoại ô Damascus.

Rạng sáng 14/4/2017, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Thực ra, kể từ 2014, liên quân do Mỹ lãnh đạo đã thực hiện nhiều cuộc không kích vào những cứ điểm quan trọng trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, tình thế chiến trường đã khác, khi mà quân Chính phủ ngày càng chủ động tấn công, dồn ép quân nổi dậy tới những “hang ổ” cuối cùng. Mà vị trí then chốt nhất còn lại chính là Idlip.

Tại thời điểm này, số phận của tỉnh Idlib, tây bắc Syria- thành trì cuối cùng của của phe đối lập cói như đã “nằm trong tay” quân Chính phủ.

Từ nhiều ngả đường, quân đội Chính phủ và cả người dân có vũ trang ủng hộ Chính phủ đang siết chặt vòng vây quanh Idlib.

Truyền thông quốc tế mô tả đó là khí thế của những người “dồn hết sức cho trận đấu cuối cùng. Họ cũng không còn e ngại gì, kể cả trường hợp bị liên quân tấn công”.

Quân Chính phủ đi tuần bên ngoài vành đai Idlib.

Trước đợt tấn công được cho là cuối cùng, Idlib đã trở thành tâm điểm của các hoạt động ngoại giao. Idlib là 1 trong 4 khu vực giảm leo thang căng thẳng ở Syria được thành lập theo thỏa thuận do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán Astana, Kazakhstan, vào năm 2017. Ý tưởng của việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại thời điểm đó, là nhằm “đóng băng” xung đột, giảm thương vong đối với dân thường và mở đường cho một giải pháp chính trị.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố rằng, Idlib sẽ là mục tiêu quan trọng bậc nhất trong công cuộc giải phóng đất nước. Với diện tích khoảng 6.000 km2, Idlib có khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Tuy nhiên, đây cũng là thành trì của hơn 60.000 tay súng đối lập và sự hiện diện của nhóm phiến quân Hay’et Tahrir al-Sham (HTS). Với hơn 12.000 phần tử, HTS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Idlib, hơn nữa nhóm này còn cam kết sẽ chiến đấu chống lại quân đội Chính phủ tới cùng.

HTS đã bị Hội đồng Bảo an LHQ liệt vào nhóm khủng bố, vì vậy Nga, Iran và Chính phủ Syria có lý do chính đáng để phát động cuộc tấn công vào Idlib.

Trước cuộc chiến sau cùng này, liên quân do Mỹ cầm đầu cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố. Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa nhắc lại cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Idlib sẽ là dấu chấm hết cho tiến trình hòa đàm về Syria. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cuộc chiến sẽ rất thảm khốc tại chảo lửa Idlib, đồng thời kêu gọi quốc tế “chú ý đến chiến dịch tấn công của quân đội Syria tại tỉnh Idlib”.

Vào giai đoạn cuối, truyền thông quốc tế từng đưa ra 3 kịch bản cho cuộc chiến Syria. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ nhất trí duy trì tình trạng giảm căng thẳng tại Idlib, miễn là Thổ Nhĩ Kỳ xử lý được nhóm phiến quân HTS. Thứ hai, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thất bại khi đối phó với HTS thì Nga sẽ dẫn đầu hoạt động quân sự “quy mô vừa phải” để tiêu diệt lực lượng này cùng các nhóm cực đoan khác. Thứ 3, cũng là kịch bản cuối cùng khi đã “hết thuốc chữa” là một cuộc tấn công toàn diện vào Idlib.

Tuy nhiên, trong ngày 7/9, Hội nghị thượng đỉnh về Syria bao gồm lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí cùng hợp tác tìm kiếm cách thức giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib. Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết trong một cuộc họp báo chung rằng họ đã thảo luận về tình hình tại khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib và đã quyết định giải quyết vấn đề này phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana được ký trước đó.

Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua “tiến trình đàm phán chính trị” thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.

Văn kiện của cuộc họp cũng khẳng định 3 nước sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra. Ba nước thống nhất sẽ chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này.

Như vậy, tại thời điểm này, cuộc chiến Syria đã có lối mở, được đánh giá là “có lợi cho phía Chính phủ”. Và người ta có cơ sở để tin vào nền hòa bình sẽ sớm được thiết lập tại quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, cũng như giàu có tài nguyên thiên nhiên, trong đó trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ bậc nhất thế giới.

Thế Tuấn (nguồn tham khảo: Hurriyet Dailynews, Reuters)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ho-so/doan-cuoi-cuoc-chien-syria-tintuc415049