Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giám sát chuyên đề năm 2019 tại LĐLĐ TP Hà Nội

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề năm 2019, sáng nay (19/4), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã làm việc với LĐLĐ TP Hà Nội. Các đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Hồng Sơn - Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, đại diện lãnh đạo các Ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban Xây dựng Đảng của Thành ủy, Văn phòng UBND TP Hà Nội; các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ TP Hà Nội.

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đã báo cáo tóm tắt phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hoạt động công đoàn (CĐ) Thủ đô năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Theo đó, năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự phối hợp cộng tác có hiệu quả của UBND, các sở ban ngành, đoàn thể Thành phố, các cấp công đoàn Thủ đô đã thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:Mạnh Tiến)

Nổi bật, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội CĐ các cấp và tổ chức thành công Đại hội Công đoàn Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2018-2023, đồng thời tham gia tích cực và đóng góp quan trọng cho thành công của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo đời sống người lao động, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên được các cấp CĐ Thủ đô chú trọng, thực hiện hiệu quả. Trong năm qua, đã có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC,VC và 67% đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ với chất lượng được nâng lên, có 2.236 doanh nghiệp có tổ chức CĐ nhiều nội dung cao hơn quy định pháp luật.

Các cấp CĐ đã tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại DN, đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp, hỗ trợ xây dựng Mái ấm CĐ cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, triển khai tốt chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ. Không chỉ thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên CĐ, năm 2018, các cấp CĐ Thủ đô cũng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tiến

Cũng trong năm qua, các cấp CĐ thành phố còn thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và thu tài chính công đoàn, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước mang lại kết quả thiết thực. Chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ và đội ngũ cán bộ CĐ các cấp ngày càng được nâng cao. Vai trò của tổ chức CĐ tiếp tục được khẳng định trong các doanh nghiệp, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị…

“Có thể nói, kết quả phong trào CNVCLĐ, hoạt động CĐ Thủ đô đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội ở Thủ đô và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”- Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa cho biết.

16 kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cũng thẳng thắn báo cáo với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo TP Hà Nội về những mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại hạn, chế trong phong trào CNVCLĐ, hoạt động CĐ Thủ đô.

Để phong trào CNVCLĐ, hoạt động CĐ Thủ đô tiếp tục phát triển và tổ chức CĐ thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo LĐLĐ TP, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến đã nêu 16 kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam và TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tiến

Đối với Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nêu 4 kiến nghị, trong đó có kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, cần nghiên cứu quy định về đình công cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời đảm bảo vai trò lãnh đạo đình công của tổ chức CĐ, cũng như công tác quản lý Nhà nước về hoạt động này. Tổ chức CĐ, CNVCLĐ Thủ đô cũng đề nghị Nhà nước khi ban hành các chính sách để cụ thể hóa những cam kết khi gia nhập CPTPP, cần nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động đối với đời sống xã hội và an ninh chính trị, đặc biệt là cam kết cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức CĐ Việt Nam).

Với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nêu 6 kiến nghị, trong đó đề nghị khi thực hiện Nghị quyết về “Điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, chi hoạt động phong trào tại CĐ các cấp, để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của tổ chức CĐ phục vụ cho đoàn viên, CNVCLĐ ở các khu công nghiệp và chế xuất”, cần quan tâm xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất được học.

Tổ chức CĐ, CNVCLĐ Thủ đô cũng gửi tới TP Hà Nội 6 kiến nghị, trong đó đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành khi xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn thanh, kiểm tra các đơn vị có sử dụng lao động trên địa bàn việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thuế … có nội dung thanh, kiểm tra việc doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn 2%; đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội và việc thành lập CĐCS theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu các kiến nghị của tổ chức CĐ, CNVCLĐ Thủ đô với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam và TP Hà Nội. Ảnh: Mạnh Tiến

Sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của LĐLĐ TP Hà Nội, các ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng các ban Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có ý kiến trao đổi nhằm nắm bắt rõ hơn kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục ở từng mặt hoạt động chuyên đề của LĐLĐ TP như: Việc tổ chức phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam; công tác tổ chức, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, nâng cao phúc lợi đoàn viên CĐ; công tác nữ công, công tác tài chính công đoàn và nhất là việc thực hiện các chủ trương, quy định mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đổi thẻ đoàn viên CĐ, thu kinh phí CĐ qua tài khoản Vietinbank; việc tiết giảm 10% chi hành chính và hoạt động phong trào theo NQ 9C của Tổng LĐLĐ Việt Nam…

Đặc biệt, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng đã có những ý kiến đánh giá, chỉ đạo, định hướng sát thực cho LĐLĐ TP Hà Nội.

Phải khẳng định được vị thế của tổ chức CĐ

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của tổ chức CĐ, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, Hà Nội có khoảng 300 nghìn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 70% lực lượng lao động và đóng góp 40% GDP của Thành phố.

Trong những năm qua, các cấp CĐ Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc chăm lo, đại diện quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của CNVCLĐ qua đó chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh tại cơ sở, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Cùng đó, tổ chức CĐ Thành phố cũng có vai trò nòng cốt trong thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh ở Thủ đô. Đặc biệt, tổ chức CĐ cũng được Thành ủy xác định là nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước...

Đồng chí Đào Đức Toàn đánh giá, bên cạnh những mặt thuận lợi thì hoạt động của CĐ trong bối cảnh hiện nay đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, như toàn cầu hóa, hội nhập, nhu cầu và yêu cầu của đoàn viên, NLĐ cũng cao hơn, toàn diện hơn; năng lực đội ngũ cán bộ nói chung chưa theo kịp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tiến.

Nhất trí với những mục tiêu, nhiệm vụ của LĐLĐ TP đã đề ra, đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Các cấp CĐ phải nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của Thủ đô; phải là đơn vị đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của các tổ chức CĐ đối với CNLĐ, để họ thực sự tin cậy, gửi gắm tâm tư, tình cảm đối với tổ chức CĐ.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng mong muốn, thông qua hoạt động của các tổ chức CĐ, phải tạo ra được kênh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ CNLĐ, đồng thời tạo ra cầu nối giữa chính quyền các cấp với CNLĐ trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cũng đánh giá cao kết quả mà các cấp CĐ Thủ đô đã đạt được. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng, với vị thế của tổ chức CĐ Thủ đô, hoạt động CĐ của TP Hà Nội có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn tới hoạt động CĐ của cả nước. Chính vì vậy, đồng chí đề nghị, các cấp CĐ Thủ đô phải tiên phong triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nhiệm vụ mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng thời sáng tạo những mô hình hoạt động mới, từ đó đúc rút, phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương khác làm theo.

Đặc biệt nhấn mạnh những thời cơ và khó khăn thách thức của hoạt động CĐ trong bối cảnh hội nhập, thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP tại Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường yêu cầu các cấp CĐ Thủ đô phải đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động CĐ, thực sự hướng về cơ sở, sát đoàn viên, NLĐ, quan tâm chăm lo nâng cao lợi ích, tạo sự khác biệt về lợi ích giữa đoàn viên CĐ với NLĐ không phải là đoàn viên CĐ. Tuy vậy, Chủ tịch Bùi Văn Cường cũng cho rằng, CĐ đại diện cho NLĐ không có nghĩa là đối lập với DN mà phải phát huy vai trò đồng hành cùng DN vì mục tiêu phát triển bền vững, vì đời sống, việc làm của NLĐ.

Về nhiệm vụ cụ thể trước mắt, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị các cấp CĐ Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam trong đó chú ý tới 3 khâu đột phá, quan tâm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, quan tâm phủ kín CĐCS ở các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên, nghiên cứu các mô hình tập hợp đoàn viên ở các DN dưới 25 lao động. Đồng chí còn yêu cầu các cấp CĐ Thủ đô triển khai các nhiệm vụ theo đúng chương trình, kế hoạch, nhất là tập trung tổ chức tốt Tháng Công nhân năm 2019 và tổ chức tốt các hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập CĐ Việt Nam.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doan-chu-tich-tong-ldld-viet-nam-giam-sat-chuyen-de-nam-2019-tai-ldld-tp-ha-noi-90170.html