'Đóa hoa vô thường': Món quà của nữ nhà báo ung thư gửi lại

Khi phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2 đã di căn, nhà báo Trần Thị Cẩm Bào (45 tuổi, Phó tổng thư ký Tạp chí Tri thức công nghệ) đã rất suy sụp. Nhưng cảm giác ấy đi qua rất nhanh, bởi sau khi đã bình tĩnh trở lại thì chị coi đó chỉ là một 'biến cố' trong đời.

Ngày 8-6 vừa qua, nữ nhà báo can trường này đã có buổi ra mắt cuốn tự truyện “Đóa hoa vô thường”. Đây được coi như món quà mà nhà báo Cẩm Bào muốn gửi lại những người thân yêu và những người đồng bệnh trước khi chị bước lên chuyến tàu cuối đến một nơi xa xôi.

Dù chỉ sống một ngày cũng phải sống thật ý nghĩa

Năm 2012, nhà báo Trần Thị Cẩm Bào phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2 đã di căn hạch. Không lâu sau đó chị đã phải cắt đi một bên ngực và điều trị hóa chất, tia xạ tới tháng 7-2013. Lúc này những tế bào ung thư trong cơ thể chị đã tạm thời được kiểm soát.

Tuy nhiên đến năm 2016, đầu gối chân của chị bỗng đau dữ dội. Sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu các bác sĩ kết luận các tế bào ung thư đã di căn xuống xương chậu.

Dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chị Cẩm Bào vẫn thấy mình may mắn vì có chồng và con luôn ở bên

Dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chị Cẩm Bào vẫn thấy mình may mắn vì có chồng và con luôn ở bên

Nhà báo Cẩm Bào chia sẻ: “Đứng trước sự sống và cái chết thì ai cũng phải sợ hãi, nhưng điều mà mình sợ nhất là những dự định, kế hoạch muốn làm mà không kịp. Trong quá trình điều trị mình luôn chia sẻ với bác sĩ điều trị về những dự định của bản thân, để bác sĩ định lượng thể trạng của mình còn đủ thực hiện kịp hay không”.

Thời điểm nhà báo Cẩm Bào phát hiện bệnh, các bác sĩ tiên đoán rằng nếu cố gắng điều trị tốt và tinh thần lạc quan chị sẽ kéo dài sự sống thêm từ 2 đến 3 năm. Vậy mà tính tới thời điểm này nhà báo Cẩm Bào đã chiến đấu với căn bệnh ung thư tròn 7 năm với hơn 70 lần truyền hóa chất và 3 lần chết lâm sàng.

“Từ đầu năm 2019 mình phải chuyển sang phòng cấp cứu nhiều đến mức chính mình cũng không thể nhớ nổi là bao nhiêu lần. Hiện nay các tế bào ung thư trong cơ thể mình đã di căn đến gan, đến ổ bụng rồi. Nhưng không phải vì thế mà “buông súng” đầu hàng đúng không nào. Dù biết chỉ sống thêm một ngày cũng phải sống thật ý nghĩa” - chị Cẩm Bào tâm sự.

Có lẽ hiếm ai có được bản lĩnh như nhà báo Cẩm Bào, bởi khi biết mình mang trọng bệnh chị đã đón nhận nó một cách nhẹ nhàng. Chị bảo, chị chỉ coi căn bệnh ung thư như một biến cố trong cuộc đời. Mà ở đời thì có ai là không gặp biến cố ít nhất là một lần. Khi biết mình bị ung thư, điều nhà báo Cẩm Bào bận tâm và lo lắng nhất chính là Cẩm Anh - cô con gái bé bỏng mới 5 tuổi của chị.

Chị bảo: “Hồi đó con còn bé quá nên chưa hiểu chuyện. Con chỉ nghĩ mẹ bị ốm, sốt bình thường thôi nhưng rồi lớn hơn một chút con đã bắt đầu ý thức được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà mẹ mắc phải. Thế nên con thương mẹ và luôn tỏ ra cứng cỏi để mẹ được yên tâm. Trong một lần Cẩm Anh vào viện thăm mẹ con đã nắm tay nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ cố gắng chữa khỏi bệnh để về với con nhé. Con không muốn buổi chiều khi đi học về sẽ phải tìm mẹ trên bầu trời”. Lời nói thật thà của con trẻ chính là động lực để nhà báo Cẩm Bào quyết tâm chiến đấu với bệnh tật đến cùng.

13 năm kết hôn thì có đến 7 năm chị Cẩm Bào phải chống chọi với bệnh tật nhưng trong suốt thời gian ấy chồng chị luôn bên cạnh. Lúc nào anh cũng động viên vợ rằng đừng bao giờ thôi hy vọng, biết đâu phép màu sẽ xảy ra.

Trong thời gian điều trị bệnh nhà báo Cẩm Bào đã cùng bạn bè sáng lập ra “Câu lạc bộ Hoa Ưu Đàm” để giúp các bệnh nhân ung thư khác nâng cao nhận thức về căn bệnh mà mình đang mắc phải. Từ đó sẽ khiến họ có được tinh thần lạc quan trong cuộc chiến đấu đầy cam go và khốc liệt với chính bản thân mình.

Muốn gửi lại món quà trước khi bước lên chuyến tàu cuối cùng

Đầu năm 2019, khi thấy bệnh tình của mình trở nặng, chị Cẩm Bào đã ngỏ lời nhờ cây bút Hoàng Thị Diệu Thuần ghi lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời mình trước chuyến đi xa. Hoàng Thị Diệu Thuần cũng là một bệnh nhân ung thư và là người đã truyền cảm hứng và động lực sống mạnh mẽ cho rất nhiều bệnh nhân ung thư qua chính cuộc đời mình và 2 cuốn sách nổi tiếng “Như hoa hướng dương” và “Muôn ánh mặt trời”. Ban đầu Diệu Thuần đã từ chối đề nghị của chị Cẩm Bào vì nghĩ mình không đủ sức. Nhưng rồi, theo như Diệu Thuần chia sẻ, chính sức mạnh của chị Cẩm Bào đã giúp cô thực hiện cuốn hồi ký chỉ trong một tuần.

Buổi ra mắt sách diễn ra tại một hội trường nhỏ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nơi chị Cẩm Bào đang nằm điều trị. Vì điều kiện sức khỏe, các bác sĩ chỉ cho phép buổi ra mắt sách diễn ra trong vòng một giờ. Bởi chỉ mới ngày hôm qua thôi, chị Cẩm Bào vẫn còn đang sốt cao và phải dùng thuốc giảm đau mới có thể ngồi dậy được.

“Đóa hoa vô thường” chính là cuốn hồi ký ghi lại những trải nghiệm của nhà báo Cẩm Bào từ khi mới đặt chân ra Hà Nội. Tại đây cô gái Huế đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình và quyết định theo chồng ở lại Thủ đô. Độc giả sẽ phải rơi nước mắt khi đọc đến hành trình 7 năm kiên cường chống chọi bệnh tật của nhà báo Cẩm Bào. Bên cạnh đó người ta cũng không thể không cảm phục người phụ nữ kiên cường, bởi chị đã cố gắng vượt qua nỗi đau để giúp đỡ những người đồng bệnh. Nhà báo Cẩm Bào tâm niệm “cho đi không phải để nhận lời cảm ơn mà cho đi để thấy được nụ cười và thái độ sống tích cực của những người đang mang bệnh nan y như mình”.

Trong cuốn sách “Đóa hoa vô thường”, nhà báo Cẩm Bào tâm sự: “Tôi không bao giờ quan trọng số lượng ngày tôi sống, ngay cả khi tôi chưa mắc bệnh. Tôi chỉ quan trọng chất lượng ngày sống đó, tôi đã làm được cái gì, đó là mục tiêu mà tôi hướng đến. Tôi đã trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời, 7 năm điều trị ung thư đã có lần tôi tưởng mình không thể tỉnh lại.

Có thời điểm tôi nghĩ mình sẽ gục ngã, nhưng rồi cuộc đời lại cho tôi nở nụ cười. Tôi rất trân trọng 1 ngày sống, tôi cảm thấy một ngày 24 tiếng quá ít để thực hiện những công việc tôi phải làm. Có thể mọi người nghĩ tôi là một người tham lam, ôm đồm, nhưng với tôi không phải như vậy. Gần đây, sức khỏe của tôi chuyển biến xấu, có những ngày tôi đã rơi vào hôn mê và khi tỉnh dậy tôi nghĩ có còn thời gian cho những việc tôi cần làm hay không?”.

Trong “Đóa hoa vô thường” nhà báo Cẩm Báo không quên gửi những lời nhắn nhủ yêu thương tới những người đồng bệnh. Chị nói với họ rằng: “Tôi có ra đi mãi mãi thì người đồng bệnh hãy vì tôi mà giữ gìn sức khỏe. Đừng buồn, đừng lo cho tôi nữa, như vậy tôi mới an lòng. Hãy tạm biệt tôi bằng những nụ cười chứ không phải là mưa của những giọt lệ”.

Đặc biệt, cuốn tự truyện “Đóa hoa vô thường” được coi như một món quà nhà báo Cẩm Bào dành tặng trước hết con gái trước lúc đi xa. Chị chia sẻ: “Cuốn sách này không cầu kỳ, không to lớn mà mục đích của tôi là muốn tặng lại cho con gái Cẩm Anh. Tôi biết rằng khoảng cách tuy xa, nhưng tình thương ấy rất bao la. Tôi muốn, Cẩm Anh khi đọc cuốn sách này, con sẽ làm được những công việc tốt dù là nhỏ bé và Cẩm Anh sẽ trở thành người tốt, tiếp tục hành trình thiện nguyện giúp tôi”.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/doa-hoa-vo-thuong-mon-qua-cua-nu-nha-bao-ung-thu-gui-lai-550641/