Đổ xô mua bảo hiểm xe cơ giới: Chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông

Trước thông tin cảnh sát giao thông (CSGT) tổng kiểm soát phương tiện và giấy tờ xe, nhiều tài xế xe máy đổ xô mua bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, họ mua bảo hiểm chỉ mang tính đối phó với CSGT, chứ chưa bao giờ thấy cơ quan bảo hiểm bồi thường.

Quầy bán bảo hiểm xe máy ngay tại một cây xăng

Quầy bán bảo hiểm xe máy ngay tại một cây xăng

Tràn lan nơi bán bảo hiểm

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này trên các tuyến đường tại Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng (Nam Từ Liêm), đường Xuân Thủy, Lê Văn Lương, đường Láng (Cầu Giấy)…đều trở thành ‘”chợ” bảo hiểm xe máy với hàng chục điểm bán liên tục đón khách hàng.

Chị Lê Thị Thu, chủ một quầy bán bảo hiểm xe máy trên đường Láng cho biết, mấy hôm nay, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng hơn 70 tờ bảo hiểm, loại giá 50 nghìn đồng/chiếc. Trước đây, chị ngồi cả ngày cũng chỉ vài ba người hỏi mua, nhưng từ ngày CSGT tăng cường kiểm tra, khách mua tăng đột biến.

“Chưa bao giờ tôi bán được với số lượng này. Có ngày bán được gần 100 chiếc bảo hiểm xe máy loại bắt buộc. Nhiều người ở đây trước đi bán kính râm, đợt này cũng chuyển sang bán bảo hiểm”, chị Thu nói.

Để thu hút khách hàng, nhiều đại lý bảo hiểm còn tung các chính sách như tưng bừng khuyến mãi 15% khi mua bảo hiểm xe máy, giảm 50% khi mua kèm với mũ bảo hiểm...Thậm chí, tại các cây xăng, nhân viên bán xăng còn đảm nhận thêm “vai” bán bảo hiểm.

Anh Trần Quang Tiến (43 tuổi), nhân viên một cây xăng tại đường Lê Văn Lương cho biết, từ khi có thông tin tổng kiểm tra của CSGT từ 15/5, mỗi ngày cây xăng bán được từ 100-200 tờ bảo hiểm xe máy. Vào giờ cao điểm, cửa hàng phải cắt cử đến 3 người phụ trách mới kịp ghi thông tin, bán cho khách hàng.

Vượt hàng rào thủ tục để được bồi thường

Trong khi, các quầy bán bảo hiểm liên tục cháy hàng, trao đổi với Tiền Phong, nhiều tài xế xe máy cho biết, chưa hiểu tác dụng của loại bảo hiểm này, và chưa bao giờ thấy có trường hợp nào được bồi thường. Thậm chí, khi có sự cố, họ gọi đường dây nóng cũng không được.

Anh Trần Văn Hải (TPHCM) cho biết, lý do anh mua bảo hiểm bắt buộc do tránh bị CSGT
xử phạt.

Theo anh Hải, trên thực tế khi xảy ra tai nạn xe máy, người dân thường tự hòa giải và thương lượng với nhau. Ngoài ra, đa số người tham gia bảo hiểm xe máy đều không biết cách đòi bồi thường như thế nào nên thường bỏ qua quyền lợi từ bảo hiểm.

Để thử đường dây nóng của cơ quan bảo hiểm, cách đây mấy hôm, anh Hải gọi đến phản ánh có một vụ tai nạn xe máy cần nhân viên bảo hiểm xuống hiện trường để xác minh. Nhân viên nghe máy rồi hỏi biển số xe, tên chủ xe, mô tả sơ bộ về vụ tai nạn, địa điểm, tình trạng bị thương rồi bảo, chờ sẽ có nhân viên kiểm định khu vực gọi lại ngay.

“Thế nhưng, chờ cả ngày, tôi cũng không thấy có nhân viên khu vực nào gọi lại cả. Tại sao, cơ quan chức năng lại buộc người dân trả tiền cho một dịch vụ bảo hiểm chỉ mang tính hình thức như vậy”, anh Hải chia sẻ khi nói về dịch vụ của một đơn vị kinh doanh bảo hiểm.

Anh Nguyễn Văn Long (34 tuổi, Nghệ An) chia sẻ, cách đây 3 năm, anh bị tai nạn giao thông gãy chân trái, nhập viện trong tình trạng bất tỉnh. Còn xe máy
hỏng nát.

Sau khi ra viện, anh liên hệ với cơ quan bảo hiểm thì được nhân viên đơn vị này cho biết, với mức thương tật của anh, chỉ được bồi thường khoảng 5 triệu đồng.

Để được bồi thường, cơ quan bảo hiểm yêu cầu anh đủ loại thủ tục như đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi, hóa đơn chi tiết về chi phí y tế, giấy chứng nhận nhập viện và điều trị, biên bản về vụ tai nạn có xác nhận của công an hoặc chính quyền địa phương…

“Lúc tai nạn xe máy, không ai nghĩ sẽ được bảo hiểm chi trả. Khi đó, chỉ mong làm sao đến bệnh viện nhanh nhất. Với hàng tá thủ tục như thế này, người dân muốn nhận bồi thường cũng bó tay”, anh Long nói.

Theo anh Long, việc mua bán bảo hiểm xe máy cần có hợp đồng để người mua nắm bắt được các thông tin về quyền lợi, cũng như ràng buộc nghĩa vụ, và trách nhiệm của các bên.

Liên quan ý kiến có hay không việc quản lý lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng bán bảo hiểm tràn lan trên, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm có người nhà, người quen đứng ra bán bảo hiểm không đáp ứng các tiêu chuẩn, ăn chia chênh lệch. Do đó, cần siết tiêu chuẩn bán bảo hiểm. Ngoài ra, theo đại diện cục này hệ thống dữ liệu quản lý bảo hiểm phi nhân thọ, nhất là bảo hiểm xe cơ giới chưa được liên thông, đồng bộ.

Trước tình trạng trên, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định.Tuấn Nguyễn

Tỉ lệ bồi thường chỉ chiếm 6% doanh thu

Ngày 22/5, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bảo hiểm bắt buộc), số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu lượt (trong đó xe máy khoảng 93,5 triệu lượt).

Cũng trong thời gian trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Đáng chú ý, theo rà soát bước đầu của Cục này, năm 2019, tổng doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới khoảng 3.600 tỷ đồng (riêng xe máy 929 tỷ đồng), tổng bồi thường 841 tỷ đồng (riêng xe máy khoảng 50 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 6%).

Trước thông tin này, một chuyên gia bảo hiểm khẳng định: tỉ lệ bồi thường 6% đối với xe máy trong tổng bồi thường quá thấp so với tỉ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. Với tỷ lệ bồi thường quá thấp này, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50%-60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.

Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cũng cho rằng đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng tràn lan người bán bảo hiểm ngồi dọc vỉa hè thời gian qua chào mời với đủ các mức giá khác nhau, không tư vấn đầy đủ cho người mua. Vậy nên, mới có chuyện nhiều người mua nhưng thậm chí không phân biệt được bảo hiểm bắt buộc khác gì với bảo hiểm tự nguyện. “Họ không được tư vấn cụ thể về quyền lợi cũng như phải làm sao để được bảo hiểm khi tai nạn xảy ra mà chủ yếu mua để đối phó”, ông Khánh nhận định.

Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện đào tạo Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho rằng, hiện nay, đại bộ phận người tham gia bảo hiểm xe máy đều nghĩ rất khó đòi bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (xe máy). Lý do phổ biến là người tham gia không biết phải tìm hiểu cách đòi bồi thường như thế nào vì khi tham gia bảo hiểm không hề được tư vấn, cũng như hướng dẫn cách thức yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách chi tiết, đầy đủ.

Kế đến, phần lớn các công ty bảo hiểm yêu cầu nhiều loại giấy để có thể giải quyết quyền lợi cho chủ xe. Theo vị chuyên gia, trong thực tế triển khai, rất nhiều người phản ánh rằng họ phải tự đi thu thập đầy đủ các chứng từ trên thì mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm, và việc này vô cùng khó khăn.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, dù đã triển khai 10 năm nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy). Trong khi, tỷ lệ tham gia của người đi ô tô lên đến 90% (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).

Dương Hưng- PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/do-xo-mua-bao-hiem-xe-co-gioi-chi-de-doi-pho-voi-canh-sat-giao-thong-1662805.tpo