Đổ xô làm cổ trang

Trước làn sóng áp đảo của các 'bom tấn' cổ trang đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc..., nhiều nghệ sĩ Việt cũng quyết định thực hiện tác phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết các phim đã thực hiện chỉ dừng lại ở tính chất giải trí đơn thuần.

Ra mắt đầu tháng 7, series Nam phi liên hoàn kế của diễn viên Nam Thư sau 4 tập phát sóng đã thu hút gần 30 triệu lượt xem. Không đình đám bằng, nhưng series Kỳ án cung Diên Thọ được thực hiện dưới dạng chương trình truyền hình thực tế cung đấu, mỗi tập phát sóng thu hút từ vài trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Diễn viên hài Thu Trang cũng chính thức lấn sân mảng cổ trang với bộ phim Bổn cung giá lâm. Không chịu kém cạnh, diễn viên Huỳnh Lập vừa trình làng tập đầu tiên nằm trong series Hoàng hậu họ Huỳnh và lập tức gây chú ý. Trước đó, nam diễn viên này cũng nổi đình đám với Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể.

Xu thế phim cổ trang nở rộ bắt nguồn từ việc thời gian gần đây một số bộ phim cung đấu nổi tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc... gây sốt với cộng đồng yêu phim thể loại này. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều nghệ sĩ quyết định “ăn theo”. Thực tế, hầu hết các series phim cổ trang đang lên sóng hiện nay đều không thuộc dòng chính truyện. Các series này xây dựng kịch bản dựa trên những tình huống hư cấu, không đề cập đến mốc lịch sử, hay lấy câu chuyện của triều đại, nhân vật lịch sử nào làm trung tâm. Đó là lý do các nhà làm phim thoải mái phóng tác theo hướng, làm sao thu hút được khán giả nhiều nhất, với đủ mảng miếng hài hước được đưa vào. Điều này đã đánh trúng tâm lý khán giả và đó là lý do, hầu hết các series sau khi ra mắt đều thu hút lượng lớn người xem. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phát trên nền tảng mở như YouTube cũng giúp cho các êkíp không quá lo ngại khâu kiểm duyệt.

So với các thể loại phim chiếu mạng khác, dấn thân làm phim cổ trang có nghĩa là chấp nhận phải đầu tư lớn hơn, từ trang phục, bối cảnh, đạo cụ... Tuy nhiên, so với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng của các bộ phim nước ngoài, hay cũng vài chục tỷ của các phim cổ trang trong nước từng thực hiện, số tiền của các series phim Việt Nam vẫn quá nhỏ. Điều đó lý giải, hầu hết các series đã lên sóng đều khá sơ sài, chưa có điểm nhấn, hay dấu ấn riêng.

Những nỗ lực của các êkíp thực hiện phim cổ trang nhằm mang đến cho khán giả thêm một món ăn giải trí là điều đáng khen. Tuy nhiên, cũng không thể vin vào cớ đó để thực hiện phim tùy tiện, dễ dãi, bởi điều này sẽ dẫn đến sự ngộ nhận - đặc biệt với khán giả trẻ. Trước nhu cầu của khán giả với thể loại này, rất cần sự chỉn chu, đầu tư kỹ lưỡng và nghiên cứu bài bản về phục trang, văn hóa, phong tục, nghi thức, ẩm thực... của các nhà làm phim. Điều quan trọng là việc thực hiện các phim cổ trang chính truyện cũng là cách giáo dục lịch sử nước nhà rất tốt. Trên thực tế, hiện đã có nhiều nhóm bạn trẻ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu về phục trang, nghi lễ... của các triều đại phong kiến Việt Nam, dù hoạt động này còn tự phát và nhỏ lẻ. Nếu có sự liên kết, phối kết hợp, chúng ta có quyền kỳ vọng vào chất lượng những phim cổ trang Việt Nam trong thời gian tới. Kho tàng lịch sử Việt có thừa những câu chuyện hấp dẫn để dựng thành phim.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/do-xo-lam-co-trang-553042.html