Đổ xô khoan giếng 'đón đầu' mùa khô

Hiện nay, mặc dù ở Đắk Lắk đang là giữa mùa mưa, nhưng nông dân vẫn đang đổ xô đi khoan giếng để lấy nước tưới cây và sinh hoạt cho năm tới. Theo chia sẻ của người dân địa phương, việc này rất hệ trọng vì dự báo tình hình hạn hán năm tới sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.

Người dân Đắk Lắk đổ xô khoan giếng mặc dù đang giữa mùa mưa. Ảnh: Tri Tín

Nghề kiếm ra tiền

Thấy hàng xóm khoan giếng giữa mùa mưa, chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, cũng tất bật chạy đôn chạy đáo để tìm cho bằng được thợ về khoan giếng. Chị Nguyệt cho biết: Nghe mọi người nói vì đang là mùa mưa nên thợ khoan giếng có rảnh rang hơn một chút, ai có nhu cầu khoan bây giờ may ra còn thuê được thợ khoan, đợi mùa khô thì khó tìm thợ lắm. Giếng của gia đình tôi phải khoan tới 130m mới đủ nước tưới trong một buổi. Tổng chi phí cho tiền khoan giếng hết 23,5 triệu đồng, tiền mua ống nhựa, máy bơm hết 5 triệu nữa, tính ra hết gần 30 triệu đồng. Chị Nguyệt cho biết thêm, gia đình chị còn may mắn là đào giếng có nước. Nhiều gia đình khoan phải điểm không có nước, mọi người chẳng ai vui, thợ thì mất công khoan, chủ thì phải bù tiền dầu và một ít chi phí.

Không chỉ người trồng cà phê, hồ tiêu mới tìm người khoan giếng mà ngay cả những gia đình thiếu nước sinh hoạt cũng đang đổ xô tìm thợ về khoan. Theo anh Hiền, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, mùa khô vừa qua, nước máy bị cúp liên tục, nhà lại không có giếng, vì thế gia đình luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phải tới nhà hàng xóm xin từng can nước về dùng. Anh Hiền chia sẻ: Chỗ tôi ở mạch nước ngầm rút mạnh nên phải khoan tới 150m mới có nước. Trung bình một mét mất 170 ngàn đồng, chi phí máy bơm, vật tư nữa là mất tới gần 30 triệu đồng mới được cái giếng nước sinh hoạt.

Theo anh Phạm Văn Hùng, chủ một cơ sở khoan giếng ở xã Cư Buar, thành phố Buôn Ma Thuột, thì từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay, anh đã nhận khoan gần 20 giếng cho người dân trong thành phố. Khoan chưa xong chỗ này thì khách hàng đã gọi đi nơi khác, anh đành phải sắp lịch hẹn khoan. Mỗi giếng khoảng 100m phải khoan mất 5 ngày với giá trên dưới 12 triệu đồng. Đó là thuận lợi, nước đủ nhu cầu của chủ nhà, còn trường hợp mũi khoan không gặp mạch nước thì phải chọn địa điểm khác, có khi khoan được một giếng phải mất cả nửa tháng...

Không chỉ người dân ở Đắk Lắk đang đổ xô đi khoan giếng mà đi khắp các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng... cũng không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân chạy đôn chạy đáo tìm thợ khoan giếng, bởi cây trồng và người đang rất cần nước.

Đi trước... đón đầu

Mùa khô 2016 ở Tây Nguyên phải trải qua cơn đại hạn khốc liệt, nhiều diện tích cây trồng bị chết, nhất là những loại cây trồng mũi nhọn của các địa phương. Riêng về nước sinh hoạt ở các tỉnh này, mùa khô vừa qua, các hộ nông dân nơi đây đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đều đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp. Do vậy, tuy đang giữa mùa mưa, nhưng người dân nơi đây đành chọn cách khoan giếng mùa mưa nhằm đón đầu mùa khô.

Là gia đình phải chịu cảnh khốc liệt của hạn hán trong mùa khô 2016 vừa qua, ông Bùi Văn Long, xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, đang bận rộn với tốp thợ khoan giếng tại rẫy cà phê nhà mình. Ông Long cho biết: Gia đình tôi có 5 sào cà phê xen lẫn tiêu, mùa khô vừa qua, 1/3 diện tích cà phê và toàn bộ hồ tiêu trong vườn bị chết khô vì không đủ nước tưới... Để mùa hạn năm tới có nước tưới, tôi đã tìm thuê thợ về khoan giếng và hy vọng năm tới sẽ có nước để tưới cho diện tích cây trồng này.

Ông Nguyễn Bá Khẩn, buôn Ama Tha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn phải kêu người tới khoan lại cái giếng cũ (80m) do không đủ nước tưới trong mùa khô vừa qua. Ông Khẩn cho biết: Mấy năm trước, do không có nước tưới nên gia đình tôi đã khoan một giếng với độ sâu 80m, tuy nhiên mùa khô vừa qua, cái giếng này đã cạn kiệt nước vào giữa mùa tưới. Bây giờ, tôi phải tìm người về khoan sâu thêm 50-60m nữa, may ra mùa tới mới có nước.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân dẫn đến việc người dân khoan giếng nhiều do ngành chức năng dự báo, năm sau hạn hán sẽ khốc liệt hơn rất nhiều, còn một nguyên nhân nữa là mạch nước ngầm nơi đây đang giảm mạnh, hầu hết các giếng khơi cũng như những giếng khoan dưới 100m đều bị cạn nước trong mùa khô vừa qua.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, mực nước ngầm ở Đắk Lắk, trong những năm qua có dấu hiệu tụt giảm mạnh. Ngoài các nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến lượng mưa hằng năm thấp, diện tích rừng suy giảm, thì việc người dân khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất một cách tràn lan gây nguy cơ thủng tầng nước ngầm cũng khiến mực nước giảm sâu. Đáng chú ý là theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, nguồn nước ngầm giảm nhiều, phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không có nước. Do vậy, việc quản lý khai thác nguồn nước ngầm cần sớm quy hoạch, xây dựng các phương án quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, đồng thời cần chú trọng công tác trồng rừng tái sinh góp phần điều hòa khí hậu, ổn định mực nước ngầm.

Trí Tín

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/do-xo-khoan-gieng-don-dau-mua-kho/