Đồ xa xỉ đặt hy vọng từ khách hàng Trung Quốc sau đại dịch

Khách du lịch, từ Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác, là những gì ngành công nghiệp xa xỉ cần nhất vào lúc này.

Người Trung Quốc rất chịu khó mua sắm hàng hóa xa xỉ khi đi du lịch nước ngoài. Ảnh: Business Of Fashion

Người Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu chịu mua sắm quần áo, túi xách, giày dép và trang sức cao cấp, mang lại cho ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ chút ít niềm tin rằng sự phục hồi đang thực sự diễn ra.

Nhưng trước mắt các nhà sản xuất vẫn là một chặng đường dài đầy chông gai, họ phải đối mặt với thách thức thay đổi phương thức kinh doanh để giảm thiểu thiệt hại do doanh số bán năm nay sụt giảm trầm trọng, cũng như việc thay đổi thói quen tiêu tiền ở nhiều nền kinh tế bị suy thoái do Covid-19, CNN bình luận.

Một số thương hiệu đã báo cáo sự gia tăng doanh thu ở Trung Quốc trong hai tháng vừa qua, khi mọi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, thúc đẩy một xu hướng được giới phân tích gọi là “mua sắm phục thù” – để giải tỏa nhu cầu bị dồn nén khi buộc phải ở trong nhà một thời gian quá dài.

Tiffany & Co, nhà kinh doanh kim cương, đồ trang sức và phụ kiện xa xỉ, tuần này đã khẳng định Trung Quốc là điểm sáng duy nhất trong hoạt động bán lẻ với doanh số tăng 30% trong tháng Tư, tăng 90% trong tháng Năm, so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ tính riêng tháng Năm, doanh thu ròng trên toàn cầu của Tiffany & Co đã giảm tới 90%.

Theo đại diện nhãn hàng thời trang Burberry, doanh thu từ quần áo và phụ kiện tại Trung Quốc trong tháng Năm cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục cho thấy sự cải thiện đáng kể”. Tương tự, Richemont cũng công bố báo cáo về “nhu cầu mua sắm mạnh mẽ”, kể từ khi 462 cửa hàng của hãng kim hoàn và đồng hồ Thụy Sĩ mở cửa trở lại ở Trung Quốc.

 Một cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải. Ảnh: Business Of Fashion

Một cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải. Ảnh: Business Of Fashion

Hiện tại, khi ngành hàng không toàn cầu vẫn đang trong trạng thái đóng băng, hầu hết các quốc gia chưa mở cửa biên giới, người Trung Quốc có thể sẽ tiêu nhiều tiền hơn cho việc mua sắm, do không thể đi du lịch.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng hai phần ba số tiền người Trung Quốc chi cho hàng hóa xa xỉ là ở nước ngoài, CNN dẫn lời các nhà phân tích.

"Thay vì đi nghỉ mát, họ có thể mua túi Chanel", Fflur Roberts, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiêu dùng xa xỉ tại Euromonitor nhận định.

Ông cũng cho biết, việc gia tăng chi tiêu đang xảy ra ở nhiều nước khác, trong đó có Hàn Quốc. “Chúng tôi nhận ra nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đang trở lại ở một mức độ nhất định”.

Trong lĩnh vực tiêu dùng xa xỉ, khách hàng Trung Quốc giữ một vai trò vô cùng quan trọng, chiếm đến 35% tổng doanh thu trên toàn cầu, theo dữ liệu của công ty tư vấn quản lý Bain & Company. Ước tính trong 5 năm tới, con số có thể tăng lên gần 50%.

Nhưng bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp xa xỉ vẫn rất ảm đạm. Bain & Company ước tính, doanh thu hàng hóa xa xỉ sẽ giảm 35% trong năm 2020, chỉ đạt khoảng 204 – 250 tỷ USD, so với 319 tỷ USD của năm ngoái.

Tất cả các thương hiệu lớn đều thừa nhận đang gánh chịu áp lực rất lớn. Tập đoàn xa xỉ số một thế giới LVMH đã phải trì hoãn thương vụ mua lại Tiffany & Co trị giá 16,2 tỷ USD sau nhiều cuộc đàm phán bất thành do ảnh hưởng từ Covid-19.

Sự tăng vọt về lượng hàng hóa bán ra trong tháng Năm và tháng Sáu ở Trung Quốc không thể bù đắp nổi sự sụt giảm doanh thu từ khách hàng Trung Quốc trên toàn cầu. Chưa kể, tổng chi tiêu ở ở thị trường đông dân nhất hành tinh trong nửa đầu năm 2020 cũng thấp hơn nhiều so với năm ngoái, CNN dẫn lời Claudio D’Arpizio, một nhà phân tích thuộc Bain & Company.

“Khách du lịch, từ Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác, là những gì ngành công nghiệp xa xỉ cần nhất vào lúc này”, Claudio D’Arpizio khẳng định. “Nhưng du lịch muốn phục hồi sẽ phải mất ít nhất vài tháng, có thể hơn một năm”.

HOÀI ĐIỆP

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//the-gioi/do-xa-xi-dat-hy-vong-tu-khach-hang-trung-quoc-sau-dai-dich-3546393.html