Dó Việt xưa- nay

Sáng ngày 4.5, tại đình Kim Ngân, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm 'Dó Việt xưa- nay' với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu cũng như các nghệ nhân làm giấy dó.

Trước đây, giấy dó là chất liệu dùng để viết sách, viết câu đối, viết thư pháp, để vẽ tranh thờ, tranh trang trí… Trong tọa đàm, các nhà nghiên cứu đều cho rằng nếu trước đây tất cả thể văn thư hành chính dưới thời phong kiến xưa như sắc phong, chiếu, chế, tấu, sớ… đều được viết trên giấy dó thì ngày nay giấy dó với chất liệu dân tộc đặc biệt, với những tính chất đặc thù rất riêng, vốn được dùng trong dòng tranh dân gian thì hiện nay đang được sử dụng nhiều hơn trong các tác phẩm hội họa hiện đại. Họa sỹ Lý Trực Sơn, người đã thử nghiệm vẽ tranh trên giấy dó từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có những chia sẻ về những khó khăn và thất bại trong những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên với sự kiên trì bền bỉ tìm hiểu những tính năng đặc biệt của giấy dó như sự thấm nước, tính dẻo dai…mà ông đã cho ra được rất nhiều tác phẩm thể hiện một cách thuần hậu nhưng kỳ ảo, sống động..Trong phần phát biểu của mình, đại diện nghề làm giấy vùng Bưởi xưa cũng chia sẻ một số về kỉ niệm làng nghề vinh dự được Nhà nước giao cho sản xuất, cung cấp giấy dó cho nhà máy in để in Di chúc của Bác Hồ và bản Tuyên ngôn độc lập.

Bên cạnh các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân tại các làng nghề giấy dó cũng bày tỏ sự trăn trở về nghệ thuật truyền thống của quê hương sẽ đi về đâu, liệu có giải pháp nào để ngăn ngừa sự mai một của nghề truyền thống từ lâu đời.

NHẬt MINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/18161/do-viet-xua-nay