Đô thị và nỗi buồn của người khuyết tật

Chắc chắn không ai phủ nhận rằng, một đô thị nhân văn phải được thiết kế thân thiện với người khuyết tật (NKT).

Ảnh minh hoa. Internet.

Luật Người khuyết tật, các nghị định và đặc biệt là Thông tư 21/2014 do Bộ Xây dựng ban hành đã quy định, các công trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận. QCVN 10:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng cũng đã hướng dẫn chi tiết thiết kế, xây dựng đảm bảo khả năng tiếp cận của NKT.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay tại những đô thị cấp đặc biệt ở nước ta hiện nay, NKT vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Hà Nội có chừng gần 100.000 NKT, chiếm gần 1,3% dân số. Họ gặp rất nhiều khó khăn khi ra đường và không có cơ hội được tiếp cận nhiều công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng như các tiện ích khác. Thành phố gần như không có những làn đường dành riêng cho người khuyết tật, không có các thiết bị dẫn lối lên, xuống cho người khiếm thị, trong khi vỉa hè thì phần lớn bị chiếm dụng bởi hàng quán san sát. Cầu vượt dành cho người đi bộ được thiết kế quá cao, nhưng lại không có đường dốc dành cho xe lăn.

TP.HCM, với khoảng 50.000 NKT, cũng không vượt trội hơn Hà Nội ở khía cạnh này là bao. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong số ít tuyến đường ở TP.HCM có vạch kẻ nổi trên vỉa hè dành cho người khiếm thị. Thế nhưng, ngay cả với người sáng mắt, việc di chuyển theo vạch kẻ nổi này cũng không dễ dàng gì. Bạn thử nhắm mắt bước đi một đoạn ngắn mà xem! Các giao cắt với đường hẻm, tuy thiết kế dốc thoải nhưng vẫn khá cao. Đường vạch kẻ nổi nhiều lúc lại “cắc cớ” chuyển hướng đột ngột vì các chướng ngại vật trên vỉa hè mà không hề có dấu hiệu cảnh báo. Vạch kẻ nổi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 thì bị gián đoạn liên tục bởi tủ điện, băng ghế nhà chờ xe buýt… chẳng khác nào những chiếc bẫy.

Thiết kế “cứng” đã vậy, sự đối xử “mềm” cũng rất đáng lưu ý. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định rõ, tất cả công trình, kể cả công trình công cộng đến nhà chung cư đều phải dành chỗ đậu xe cho NKT gần lối vào công trình, gần đường dành cho người đi bộ, song việc NKT có được đậu xe tại các bãi xe hay không là tùy vào tấm lòng và… tâm trạng của người giữ xe, bởi đa số bãi xe đều không chừa chỗ, nhiều nơi còn từ chối thẳng thừng việc giữ xe 3 bánh của NKT.

Để pháp luật về NKT được thực thi, tạo điều kiện cho đối tượng vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi này có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, được hưởng thụ không gian, tiện ích công cộng thì không thể chỉ trông chờ vào lòng tốt của các chủ đầu tư. Các nhà hoạch định và quản lý đô thị cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và thưởng phạt nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình xây dựng và vận hành đô thị.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/do-thi-va-noi-buon-cua-nguoi-khuyet-tat.aspx