Đô thị thông minh - 'cú hích' mạnh mẽ cho thị trường địa ốc TP. HCM

UBND TP. HCM đã công bố đề án 'Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025'.

Ngày 2/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã tiếp tân Tổng lãnh sự Italy Dante Brandi, hai bên cho biết sẽ cùng hợp tác để phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh. Quốc hội đã phê duyệt cho TP HCM áp dụng cơ chế đặc thù trong 5 năm tới, vì thế việc xây dựng đô thị thông minh sẽ có điều kiện phát triển thuận lợi, đem lại hiệu quả cao trong quản lý và phát triển thành phố đầu tàu này.

Trước đó vào chiều 29/3, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Hà Lan cũng đã tổ chức hội thảo "Phát triển Đô thị thông minh tại Việt Nam hướng đến Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững".

Trong khuôn khổ chương trình, Cục Phát triển đô thị và Nhóm các đối tác về Đô thị thông minh Vương quốc Hà Lan đã kí kết Ý định thư về phát triển mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề cho những hoạt động tiếp theo giữa hai phía Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực phát triển Đô thị thông minh.

Theo đó, Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị, tăng cường trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm về các ví dụ thành công trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, đô thị thông minh, thành phố sân bay và môi trường sống.

Một ngày sau công bố của TP. HCM về đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”, ngày 27/11, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo về “Đề án TP thông minh - Bình Dương” được phê duyệt tại Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh này

Trên thực tế, hiện có khoảng 400 dự án thành phố và thị trấn thông minh đang được triển khai trên toàn cầu. Sự phát triển của nhà thông minh và thành phố thông minh được đẩy nhanh nhờ quá trình phát triển vũ bão của công nghệ.

Có thể nói, những năm qua, việc đô thị hóa nhanh khiến TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn. Trong đó, việc kẹt xe, ngập nước, tệ nạn xã hội bùng phát đã tạo cho người dân một mối bất an lớn trong cuộc sống.

Cũng từ đây, lãnh đạo TP.HCM đặt ra bài toán phải làm sao thay đổi đời sống của người dân bằng việc xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, phục vụ cuộc sống của người dân thành phố tốt hơn

Thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...

Cùng với đó, người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập

Đặc biệt, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số là mục tiêu đầu tiên được nhắc đến.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngay từ giai đoạn đầu, cần lập một chiến lược về xây dựng và phát triển đô thị thông minh giúp TP. HCM có thể phát triển hài hòa, hợp tác tốt giữa các đơn vị trong thành phố cũng như giữa thành phố với các đô thị thông minh khác trong tương lai, hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất và đến việc cùng nhau đem lại hiệu quả cộng hưởng về mọi mặt trong suốt quá trình phát triển đô thị và phát triển quốc gia.

Chính quyền cần nhanh chóng lập một chiến lược quốc gia về phát triển đô thị thông minh cho TP. HCM, không chỉ về mặt công nghệ mà cả về mặt đổi mới tư duy quản lý và cải tổ cơ cấu tổ chức hành chính đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh kết nối mạng, để có thể lập kế hoạch phát triển đô thị thông minh, vừa phù hợp với nhu cầu của địa phương vừa hướng đến việc kết nối liên thông với các đô thị khác.

Hướng đến mục tiêu quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Song song đó là xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trung tâm điều hành thông minh và trung tâm an toàn thông tin, phải chuẩn bị khá kỹ, như xây dựng hệ thống giao thông mở rộng, xây dựng hệ thống thủ tục hành chính điện tử.

Lắp đặt hệ thống camera an ninh, xây dựng khu vui chơi giải trí, hệ thống thủ tục hành chính điện tử, cũng như cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân khi làm thủ tục hành chính…

Theo Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, từ ngày 1/8/2018, TP.HCM sẽ thử nghiệm đô thị thông minh ở quận 1, quận 12 và một phần quận 2, quận 9. Đây sẽ là “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường địa ốc tại khu vực này trong năm 2018./.

Bảo Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/do-thi-thong-minh-cu-hich-manh-me-cho-thi-truong-dia-oc-tp-hcm-35025