Đô thị lớn của Việt Nam biến dạng do 'quy hoạch ngược'

Nhiều đô thị tại Việt Nam đang quy hoạch ngược so với thế giới, đưa tất cả những gì tốt đẹp nhất vào khu vực trung tâm thành phố khiến bài toán quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông không có lời giải.

Khu đô thị Linh Đàm đang chịu áp lực lớn từ hạ tầng

Nhu cầu sống và làm việc của người dân tại trung tâm các thành phố lớn đang ngày càng tăng cao. Riêng TP. HCM, có hơn 8 triệu dân có hộ khẩu, tuy nhiên nếu tính cả số người thường xuyên lưu trú dài hạn trên địa bàn thành phố thì lên đến khoảng 13 triệu người.

Tương tự tại Hà Nội, theo Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương với một huyện lớn. Hiện dân số của thành phố đã hơn 7 triệu người. Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên đến 14 triệu người.

Thực trạng dân số tăng nhanh đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho các thành phố lớn. Quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt nguồn cung nhà ở đang là những vấn đề rất "nóng" tại Hà Nội và TP. HCM hiện nay.

Để giải quyết thực trạng này, sau mở rộng địa giới năm 2008, TP. Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các khu đô thị vệ tinh để dãn mật độ dân cư. Năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn đã được đưa vào quy hoạch với kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ và chia sẻ với khu vực trung tâm Hà Nội về mọi mặt.

Thế nhưng, sau một thập kỷ được triển khai, hầu hết các "đô thị vệ tinh" của Thủ đô vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Các khu đô thị này không thể thu hút cư dân nhằm phục vụ việc dãn dân từ khu vực trung tâm về đó sinh sống, làm việc như kỳ vọng.

Sau 10 năm, dư luận quay lại với câu hỏi "nội thành Hà Nội đã bớt đông dân?" và câu trả lời hoàn toàn ngược lại. Nếu như năm 2008, mật độ dân số bình quân của cả thành phố khoảng 1.900 người/km2 thì hiện nay, chỉ số này đã lên đến khoảng 2.300 người/km2.

Trước bài toán làm thế nào để giảm bớt dân số trong đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục đặt câu hỏi: "Chẳng nhẽ dùng hộ khẩu, chính sách để cản trở sự di dân vào đô thị như một số đề xuất trước đó?

Trong khi tại sao phải ngăn người dân di cư vào đô thị khi thực tế họ có đóng góp rất nhiều cho các thành phố. Ví dụ như tại Anh, những người di cư vào thành phố đã đóng góp 40% GDP cả nước.

"Thực tế là, con người ai cũng có nhu cầu mưu cầu hạnh phúc, ở đâu có cơ hội phát triển, cơ hội việc làm tốt hơn thì họ đến đó là lẽ dĩ nhiên, sao phải ngăn cản họ", kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục thừa nhận.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục

Đồng quan điểm, tại tọa đàm Cafe Xanh với chủ đề: Đô thị xanh và con người xanh, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House cũng cho rằng: "Chính sách hiện nay là đang ngăn cản nguồn lực - chính là dòng người đổ vào đô thị".

Lý giải việc ngày càng nhiều dòng người và các dự án bất động sản lớn tập trung tại trung tâm thành phố, gây quá tải hạ tầng, ông Trung cho rằng, điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Dưới góc độ kinh tế học, nơi nào có hiệu quả sinh lời cao thì nơi đó có dòng tiền đầu tư.

"Tôi lấy ví dụ, bản thân tác phẩm quy hoạch khu đô thị Linh Đàm ban đầu rất tốt đẹp, các nhà quy hoạch, kiến trúc sư đã gửi gắm những điều tốt đẹp vào đó nhưng về sau nơi này bị thay đổi trở thành quá tải hạ tầng. Tôi cho đó là do sự biến động về lợi nhuận. Nhu cầu về lợi nhuận khiến bức tranh quy hoạch bị biến dạng", Phó tổng giám đốc Capital House cho hay.

Quy hoạch cần nương theo sự dãn dân tự nhiên

Đâu là lời giải cho việc quy hoạch các thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay? Theo bà Thục, trong quá khứ đã có một bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc xây dựng đô thị của Barcelona - một đô thị cổ và là Thủ đô của Tây Ban Nha. Thành phố này có đến 20 - 25% thu nhập từ du lịch.

Tuy nhiên, do được xây dựng từ cách đây nhiều năm, mọi hạng mục trong thành phố đã quá tải, không đủ để phục vụ sự gia tăng dân số, chính quyền nơi đây muốn tái thiết lập thành phố này trở thành một đô thị có tiếng nói của thế kỷ 21, nhưng vẫn giữ được toàn bộ khu vực lõi đô thị cổ cần được bảo tồn.

Khi đó, rất nhiều các nhà đầu tư tham gia đăng ký xây dựng các công trình cao tầng trong thành phố đã dẫn đến không đủ quỹ đất tại khu vực trung tâm để phát triển tất cả các dự án này. Hơn nữa, nếu phát triển như vậy sẽ dẫn đến phá vỡ cảnh quan chung của một thành phố cổ.

Mọi việc tưởng như đã bế tắc cho đến khi xuất hiện một kiến trúc sư thiên tài đứng ra gỡ rối. Theo đó, giải pháp của vị kiến trúc sư đưa ra là thiết lập một vành đai xanh áp vào giữa núi và biển, chạy từ bờ biển phía đông sang phía tây tại vùng ngoại vi của thành phố cổ này.

Với giải pháp quy hoạch này, vị kiến trúc sư đã tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố, đồng thời không xâm phạm đến không gian kiến trúc cổ của khu vực trung tâm cần được bảo tồn.

"Kết quả là hơn 1.000 dự án đăng ký xây dựng mới tại Barcelona đều có chỗ cho mình, hơn nữa lại có vị trí rất đẹp. Mọi thứ đã được phát triển một cách hoàn hảo", bà Thục cho hay.

Trở lại với câu chuyện phát triển đô thị của Việt Nam, theo bà Thục, nếu chỉ trông cậy vào hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực trung tâm và vùng ngoại vi để phát triển các đô thị vùng ven là không hợp lý.

Bởi như vậy sẽ bắt buộc người dân phải có ô tô nếu muốn mua nhà tại ngoại thành. Hệ quả tất yếu là những cung đường đông nghịt và ách tắc như hiện nay. Bài toán giao thông và phát triển đô thị nhằm dãn dân mãi mãi không có lời giải.

Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, bà Thục cho rằng, trước hết, Chính phủ nên xây dựng một quy hoạch đô thị nương theo "sự giãn dân tự nhiên". Người dân thấy nơi nào có điều kiện sống tốt, tất yếu họ sẽ di chuyển đến đó.

Bài học từ Singapore, trong giai doạn một của phát triển đô thị, họ đã xây dựng vùng ngoại vi tốt hơn hẳn khu vực trung tâm với đầy đủ các tiện ích phục vụ đời sống của cư dân như học tập, làm việc, khám chữa bệnh. Người dân vì thế mà dãn ra các vùng lân cận để sống và làm việc.

"Trong khi đó, Việt Nam lại làm ngược lại. Hiện nay chúng ta đang đưa tất cả những gì tốt đẹp nhất vào trung tâm thành phố. Từ đó dẫn đến sự tích tụ đô thị khủng khiếp gây tắc đường, quá tải hạ tầng. Như vậy là quy hoạch đô thị ngược, ép người dân chứ không phải phục vụ người dân", vị kiến trúc sư này cho hay.

Mặt khác, giống như kinh nghiệm từ Barcelona, Việt Nam nên quy hoạch thành các vành đai xanh xung quanh các đô thị lớn, xây dựng thành những thành phố thu nhỏ, độc lập kinh tế với đô thị lõi, đảm bảo tạo ra đủ việc làm và những nhu cầu cuộc sống cho cư dân sinh sống tại chỗ để thu hút người dân về đó sinh sống.

Bản chất của người dân là luôn muốn sống tại những nơi có điều kiện sống tốt nhất. Khi có những vành đai xanh, không gian xanh với chất lượng cuộc sống được đảm bảo, người dân khi đó cần gì phải vào trung tâm như Hồ Gươm, Ba Đình, Đống Đa chen chúc, chật chội, khi chất lượng sống tại ngoại vi còn tốt hơn nhiều, bà Thục nhấn mạnh.

Đây chính là sự giãn dân tự nhiên theo cơ thể của một khu đô thị tốt đẹp, để làm được điều này, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy và tầm nhìn chiến lược để xây dựng được những chính sách quy hoạch đúng đắn, vì người dân",

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/do-thi-lon-cua-viet-nam-dang-quy-hoach-nguoc-1541869469404.htm