Đô thị hóa vùng ven: Giữ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô có 5 đô thị vệ tinh và nhiều khu đô thị mới. Các đô thị vệ tinh đều được quy hoạch ở khu vực ngoại thành, nơi cộng đồng dân cư sinh sống theo tổ chức không gian làng, do vậy, rất cần sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Nghề dệt lụa Vạn Phúc. Ảnh: Thanh Hải

Giữ nghề trong đô thị hóa
Khảo sát thực tế trên địa bàn quận Hà Đông, địa bàn có số lượng làng nghề và người dân làng nghề lớn nhất trong các quận của Hà Nội. Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết, trước đây, trên địa bàn quận có 6 làng nghề, nhưng hiện nay chỉ còn 3 làng nghề chính, đó là: Làng lụa Vạn Phúc, Làng rèn Đa Sỹ và Làng mộc Thượng Mạo. Số lượng người dân còn theo nghề tương đối lớn với hàng nghìn hộ gia đình, đời sống người dân làng nghề tương đối ổn định.
Tại Đa Sỹ, hiện nay, số lượng người dân tham gia đông nhất với trên 1.000 hộ gia đình gắn bó với nghề rèn. Lý giải về việc người dân theo nghề có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Chủ tịch Hội làng nghề rèn Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính chia sẻ, quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang làm hạ tầng và các công trình công cộng, công trình dịch vụ... nên người dân Đa Sỹ phải gắn bó với nghề rèn để mưu sinh. “Thu nhập bình quận của người dân làng rèn Đa Sỹ từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng, đặc biệt một số hộ thu nhập tới trên 50 triệu đồng/tháng. Nên ngay cả khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay thì người dân vẫn có thể gắn bó và giữ nghề” - ông Chính nói.

Muốn để cho các làng được tồn tại, cần phải đầu tư hệ thống hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế… được tốt hơn, để mọi người có thể tiếp tục gắn bó với làng. Các làng nghề truyền thống vùng nông thôn nếu trước đây từng nhà thì bây giờ tạo thành từng cụm để tập trung sản xuất, vừa bảo vệ môi trường khi sản xuất mà lại không mất đi tính “làng” trong quá trình đô thị hóa.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

Để giữ và phát triển làng nghề, quận Hà Đông đã bố trí khu đất rộng 11ha để xây dựng cụm công nghiệp, hướng tới chuyển toàn bộ người dân làm nghề trong khu vực dân cư tập trung tại cụm công nghiệp. “Toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong, quận đang tiến hành cho DN tham gia đấu thầu để xây dựng hạ tầng trong cụm công nghiệp, sau khi xây dựng xong sẽ bố trí các hộ dân đến sản xuất” - Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết thêm.
Theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội tổ chức không gian theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm được kết nối với 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) và các thị trấn bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm có đường giao thông vùng và quốc gia.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái cho biết, việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được nhu cầu về nhà ở, sự giãn nở của lượng dân cư trong khu đô thị lõi. Những khu đô thị vệ tinh hướng ra vùng ngoại thành cần phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, đó là những làng nghề và đất nông nghiệp. Nghĩa là trong quá trình này phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, các hoạt động sản xuất nông nghiệp phải được duy trì để hướng đến một hình thái đô thị kiểu mẫu cho khu vực ngoại thành Hà Nội.

Muốn để cho các làng được tồn tại, cần phải đầu tư hệ thống hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế… được tốt hơn, để mọi người có thể tiếp tục gắn bó với làng. Các làng nghề truyền thống vùng nông thôn nếu trước đây từng nhà thì bây giờ tạo thành từng cụm để tập trung sản xuất, vừa bảo vệ môi trường khi sản xuất mà lại không mất đi tính “làng” trong quá trình đô thị hóa.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

Ảnh: Thanh Hải

Lồng ghép bảo tồn không gian làng vào quy hoạch
Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị chỉ chiếm khoảng 28,3% diện tích với gần 95.000ha tăng hơn 22.000ha so với hiện nay và còn gần 65.000ha đất xây dựng nông thôn. Trong tổng số dân 9 – 9,2 triệu, chỉ khoảng 65 – 68% sống trong đô thị, còn lại sống trong các điểm dân cư nông thôn. Thực tế này cho thấy, để đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống tốt, có kiến trúc tiên tiến giàu bản sắc..., vấn đề cần được quan tâm không chỉ là nội đô mà cần nghiên cứu định hướng cho phát triển các điểm dân cư nông thôn trong đô thị.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phân tích, quá trình đô thị hóa là tất yếu của sự phát triển. Nhưng trong tiến trình ấy, Hà Nội đã chứng kiến sự mất đi của những làng nghề truyền thống, điển hình có thể kể đến là làng Ngọc Hà, do nằm trong khu đô thị lõi. Do vậy, bảo tồn không gian làng cần phải được lồng ghép vào với quy hoạch đô thị, không gian làng thường gắn liền với các làng nghề truyền thống.

Tại Hà Nội, các làng từ khu vực Vành đai 3, đặc biệt là Vành đai 3,5 trở ra, việc phát triển như thế nào cần được tính toán kỹ lưỡng, để không làm biến mất những làng nghề. "Hà Nội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bao gồm việc thực hiện cả quy hoạch xây dựng kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa mới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tạo lập tổng thể đô thị phát triển bền vững" - ông Chính cho hay.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/do-thi-hoa-vung-ven-giu-hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien-323868.html