Đô thị Hòa Lạc sẽ có vùng 'phát triển đô thị' và 'vành đai xanh'

Theo định hướng Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội đến năm 2030, quy hoạch tổ chức không gian được phân chia thành 2 vùng đặc trưng là 'Vùng phát triển đô thị' và 'Vùng vành đai xanh' xung quanh khu vực đô thị.

Sáng 5-12, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Tờ trình Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030. Có 96/97 đại biểu nhất trí thông qua.

Trình bày Tờ trình Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000, ông Lê Vinh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: Quy hoạch đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây; có diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274 ha; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600 nghìn người.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm; xác định phạm vi và quy mô các khu chức năng, các không gian kinh tế, văn hóa xã hội; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện ngoại thành.

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được phê duyệt là cơ sở để quản lý phát triển đô thị và phát hiển kinh tế, xã hội phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ông Lê Vinh nêu rõ, quan điểm quy hoạch là Quy hoạch xây dựng đô thị Hòa Lạc phát triển bền vững, chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường cảnh quan và môi trường sinh thái; vừa đảm bảo nhiệm vụ quân sự quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng; khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng hiện có, phát triển trên nền tảng hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng.

Phát triển đô thị Hòa Lạc thích ứng với đặc điểm, điều kiện tự nhiên tại khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến môi trường, thiên tai (đặc biệt là hiện tượng lũ rừng ngang) đảm bảo an toàn cho người dân. Hạn chế can thiệp, tác động mạnh đến cảnh quan thiên thiên hiện có… Phát triển dân cư theo hướng tập trung tại các khu vực đô thị, hạn chế phát triển bám dọc các tuyến đường đối ngoại và phát triển lan tỏa vào các khu vực cảnh quan, kiểm soát phát triển tại các khu vực ngập lụt và khu vực thuộc hành lang thoát lũ theo quy định pháp luật.

Về định hướng quy hoạch tổ chức không gian của Đô thị Hòa Lạc được phân chia thành 2 Vùng đặc trưng là ‘Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh” xung quanh khu vực đô thị.

Cụ thể, “Vùng phát triển đô thị” bao gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học quốc gia Hà Nội và Khu đô thị mới, được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 21, Đường Hồ Chí Minh.

Khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long, bao gồm chủ yếu 2 dự án đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch là khu Công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội. Khu vực này cơ bản đã ổn định theo các quy hoạch được phê duyệt và được coi là tiền để để các khu vực còn lại phát triển theo một cách phù hợp.

Ông Lê Vinh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Quy hoạch xây dựng đô thị Hòa Lạc phát triển bền vững, chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường sinh thái (ảnh T.H)

Ý tưởng chính của đồ án là dựa vào các dòng chảy tự nhiên, xuất phát chủ yếu từ dãy núi Viên Nam (phía Tây Nam đô thị), theo các đường tụ thủy, thoát nước tự nhiên ra sông Tích để tạo thành các hành lang xanh sinh thái dẫn hướng cho hệ thống giao thông.

Mạng lưới hành lang xanh sinh thái cũng góp phần bảo tồn các di tích văn hóa và cấu trúc làng xã có giá trị, đồng thời hình thành nên hướng phát triển chính của đô thị là xen kẽ giữa các ngọn núi độc lập, len lỏi theo các dòng chảy của sông, suối, hướng vào tâm của khu đô thị là khu Công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội. Ý tưởng hình thành các hành lang xanh sinh thái là ý tưởng chủ đạo cho định hướng quy hoạch chung.

“Vùng vành đai xanh” là vùng bao quanh của vùng nội thị, được phân định theo các tuyến đường vành đai của đô thị (đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tránh, đường vành đai đô thị) và các chức năng sử dụng đất đặc thù (vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, đất quân sự).

Khu vực này sẽ xây dựng theo mô hình nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng phục vụ cho đô thị; duy trì cảnh quan rừng núi Viên Nam tạo vành đai xanh sinh thái bảo vệ đô thị, chống lại các tai biến thiên nhiên như xói lở, lũ lụt... kiểm soát các dự án theo hướng du lịch sinh thái, dã ngoại, hạn chế phát triển nhà ở, giữ mật độ xây dựng thấp, công trình thấp tầng.

Thẩm tra về Tờ trình Quy hoạch đô thị Hòa Lạc, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP nhấn mạnh: Nội dung Đồ án quy hoạch đã được cập nhật kế thừa các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, tuân thủ các yêu cầu về quy mô diện tích, quy mô dân cư, tính chất đô thị, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố, các quy hoạch chuyên ngành liên quan đã được phê duyệt.

Đồ án quy hoạch được nghiên cứu nghiêm túc công phu, phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch, các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn. Ban Đô thị cơ bản đồng tình với nội dung quy hoạch, đồng thời đề nghị UBND TP báo cáo bổ sung một số nội dung cần được nêu chi tiết hơn, sâu hơn trong báo cáo tổng hợp thuyết minh quy hoạch.

T. An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/do-thi-hoa-lac-se-co-vung-phat-trien-do-thi-va-vanh-dai-xanh-108287.html