Đô thị đại học xanh: Cam kết về sự phát triển bền vững

Tham dự Hội thảo 'Phát triển Khu đô thị Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030', nhiều chuyên gia cho rằng lựa chọn phát triển đô thị đại học xanh chính là cam kết hướng đến sự phát triển bền vững của ĐHQG.

TS, KTS Lê Thị Hồng Na - Trường Đại học Bách khoa (thuộc ĐHQG) cho biết, chiến lược phát triển đô thị xanh là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của các nước phát triển. Riêng tại Australia, các thành phố lớn như Sydney, Melbourne… đều ban hành chiến lược “rừng đô thị” nhằm quản lý và phát triển các hệ sinh thái đa dạng cho đô thị.

“Rừng đô thị không đơn thuần là chiến lược tạo dựng môi trường xanh, sạch mà còn có tầm quan trọng về mỹ quan đô thị. Tại Singapore, với mật độ xây dựng dày đặc, chính phủ của họ đã phải tận dụng các tầng không gian để phát triển cây xanh với nhiều dạng bố trí không gian độc đáo như vườn trong phố, vườn tường, vườn mái, vườn ở bất cứ đâu… Điều này giúp Singapore vừa tăng diện tích phủ xanh vừa tạo mỹ quan đô thị đặc sắc” - TS, KTS Lê Thị Hồng Na cho biết.

Theo TS Na, tổng diện tích cây xanh tại Khu đô thị ĐHQG là hơn 181 ha, chiếm 28,2% tổng diện tích. Đây là tỷ lệ khá lớn so với thực trạng khan hiếm mảng xanh tại TP Hồ Chí Minh.

“Để phát triển không gian xanh bền vững cho Khu đô thị, ĐHQG cần bảo đảm nguyên tắc chủ đạo cho việc thiết kế không gian xanh là giữ vững hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, ĐHQG cần lựa chọn các thiết kế không gian xanh đa dạng, độc đáo như trên mặt đứng, trên mái, ban công các tòa nhà, các dạng vườn treo… Đồng thời, tạo lập các hồ sinh thái, khu wetland nhằm tích trữ, tận dụng nguồn nước mưa để tưới cây xanh” - TS, KTS Lê Thị Hồng Na lưu ý.

Chia sẻ quan điểm trên, PGS, TS Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Bách Khoa cho rằng, phát triển đô thị xanh sẽ giúp các nhà quản trị xem xét vấn đề xa hơn các chính sách môi trường truyền thống. Điều này giúp không chỉ tập trung tăng cường các chính sách mà còn vào việc thiết kế và phát triển các dự án xanh từ các khu vực công và tư nhân.

“Phát triển đô thị xanh của ĐHQG - Hồ Chí Minh là việc tất yếu nhằm phát triển bền vững đô thị đại học. Muốn làm tốt điều này, cần phân kỳ đầu tư hợp lý để có lộ trình quy hoạch và xây dựng phù hợp với tiến trình phát triển đô thị đại học” - PGS, TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG), ý tưởng phát triển “hài hòa, bền vững và phù hợp với môi trường” được ĐHQG khẳng định trong Kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020. Do đó, không gian xanh là yếu tố quan trọng trong cấu trúc của một đô thị định hướng phát triển bền vững.

PGS, TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, để tạo lập đô thị xanh tại ĐHQG, cần có những giải pháp thiết thực như phát triển không gian cây xanh, giữ gìn cảnh quan không gian mặt nước và đặc biệt là triển khai đồng bộ chương trình "đại học xanh" trong toàn hệ thống ĐHQG. Theo đó, việc giáo dục về môi trường cần được đưa vào chương trình giảng dạy cũng như thường xuyên tổ chức các hoạt động “một ngày không rác thải nhựa”, “zero waste”, “no plastic bag”… Đồng thời, bắt buộc có quy định chế tài về xử phạt và khen thưởng chung quanh các hoạt động xanh.

Năm học qua, ĐHQG có những bước tiến rất đáng tự hào: Lần đầu tiên đứng trong Top 1000+ bảng xếp hạng THE; tiếp tục duy trì vị trí Top 701-750 bảng xếp hạng QS World 2020; Top 301-500 bảng xếp hạng QS GER 2020 các đại học đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới; đứng thứ 143 trong bảng xếp hạng QS Asia 2020.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bancanbiet/thong-tin-doanh-nghiep/item/43908902-do-thi-dai-hoc-xanh-cam-ket-ve-su-phat-trien-ben-vung.html