Đô thị công nghiệp Bỉm Sơn trong tầm nhìn mới

Năm 2020, thị xã Bỉm Sơn tiếp tục đón nhận thêm nhiều dự án công nghiệp hiện đại. Điển hình như Tập đoàn INTCO của Singapore đã quyết định đầu tư tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn tới 2 nhà máy sản xuất găng tay y tế, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.420 tỷ đồng, công suất 9 tỷ chiếc mỗi năm. Một dự án lớn khác với tổng vốn đầu tư 1.484 tỷ đồng là Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial cũng được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH lốp COPO Việt Nam...

Một góc thị xã Bỉm Sơn.

Đã từ lâu, Bỉm Sơn được xác định là 1 trong 4 tứ giác phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Lợi thế của thị xã Bỉm Sơn, không chỉ hội tụ những điều kiện thuận lợi từ vị trí địa lý đến tài nguyên thiên nhiên, mà còn là sự đồng bộ từ quy hoạch đến định hướng phát triển, khiến nơi đây trở thành điểm đầu tư hấp dẫn và thuyết phục, “nâng cánh” những mục tiêu của thị xã sớm trở thành hiện thực.

Năm 2020, trước bối cảnh khó khăn, thách thức của nền kinh tế, thị xã Bỉm Sơn vẫn hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu kinh tế, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất tăng 11,3% so với cùng kỳ, công nghiệp - xây dựng tăng 11,7% so với cùng kỳ, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 4,4% so với cùng kỳ...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới là: Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, thị xã Bỉm Sơn sẽ là đô thị công nghiệp hạt nhân của trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh, là cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ.

Hiện nay, thị xã đang cập nhật, bổ sung, hoàn hiện quy hoạch xây dựng phát triển thị xã, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết một số khu chức năng còn thiếu, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tính đến định hướng phát triển không gian của thị xã Bỉm Sơn trong tương lai. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch của thị xã với các vùng trong tỉnh, kết nối với các trung tâm kinh tế và hệ thống đô thị vùng Bắc bộ.

Với chức năng đô thị công nghiệp, đảng bộ thị xã cũng đang quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo định hướng của tỉnh về phát triển công nghiệp - xây dựng là trọng tâm, dịch vụ là quan trọng để tập trung lãnh đạo khai thác tốt tiềm năng, phát huy các lợi thế so sánh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thị xã, hạ tầng khu công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó, ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chế tạo, chế biến nông, lâm sản, dược phẩm; quan tâm phát triển hợp lý các ngành công nghiệp nhẹ như giầy da và tiểu thủ công nghiệp, để công nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế trụ cột của thị xã.

Thị xã cũng sẽ định hướng phát triển một số doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực xây dựng được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, làm chủ công nghệ hiện đại trong thi công xây lắp, đủ sức thi công những công trình lớn, hiện đại của thị xã và các địa phương trong tỉnh. Tập trung phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện lợi và chợ an toàn thực phẩm; nhóm ngành dịch vụ vận tải và dịch vụ phục vụ sản xuất; từng bước tạo lập và phát triển các thị trường bất động sản, vốn, khoa học công nghệ, lao động..., trở thành đầu mối giao lưu của khu vực và cả tỉnh.

Bước vào năm 2021 trong tâm thế mới, với những thành tựu đã đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực tỉnh ta ngày càng lớn mạnh. Đây sẽ là động lực, cơ hội lớn để thị xã Bỉm Sơn vươn lên, bứt phá mạnh mẽ hơn, trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, văn minh, xứng đáng vai trò hạt nhân của trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/do-thi-cong-nghiep-bim-son-trong-tam-nhin-moi/131489.htm