Do thám đồng minh

Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) vừa vướng vào một bê bối do thám mới khi tờ Spiegel (Tấm gương) tiết lộ một loạt các quan chức và doanh nhân tại Mỹ đều đã từng là mục tiêu theo dõi trong một thời gian dài của BND.

4.000 “đối tượng được lựa chọn”

Nhà Trắng là mục tiêu theo dõi của BND trong giai đoạn 1998-2006. Ảnh: Reuters.

Dựa trên các tài liệu có được, tờ Spiegel cho biết, khoảng 4.000 nhân vật đã bị BND theo dõi trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2006. Danh sách "những đối tượng được lựa chọn" của BND bao gồm số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (email) của các quan chức làm việc tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ. Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), các công ty Mỹ như Lockheed Martin, một số trường đại học, hơn 100 đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đóng tại Mỹ cũng không nằm ngoài danh sách bị BND theo dõi. Tờ Spiegel không rõ liệu rằng các thông tin cá nhân của “những đối tượng được lựa chọn" có được tiếp tục sử dụng sau giai đoạn 1998-2006 hay không.

Tờ Spiegel lưu ý rằng, bê bối do thám mới của BND bị phanh phui trong bối cảnh Chính phủ Đức từng phản ứng rất gay gắt trước thông tin mà “kẻ lộ mật” E.Xnâu-đơn (Edward Snowden), một nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã tiết lộ hồi năm 2013 rằng NSA đã tiến hành theo dõi quy mô rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có số điện thoại của Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel). “Nhà lãnh đạo Đức từng chỉ trích “do thám bạn bè là không thể chấp nhận được”. Thế nhưng hóa ra Đức cũng đã do thám Mỹ”-tờ Spiegel nhận xét.

Không chỉ riêng Mỹ

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên BND dính vào bê bối do thám và Mỹ cũng không phải là mục tiêu do thám duy nhất của BND.

Hồi tháng 4 vừa qua, tờ Spiegel dẫn các tài liệu thu thập được cho biết, BND đã do thám Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) suốt nhiều năm. BND đã bổ sung số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử của các điều tra viên cảnh sát quốc tế vào danh sách theo dõi của cơ quan này cũng như do thám văn phòng liên lạc của Interpol tại hàng chục quốc gia. Không những vậy, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cũng không nằm ngoài tầm ngắm của BND.

Trước đó không lâu, vào tháng 2, giới truyền thông quốc tế bị chấn động trước tiết lộ của tờ Spiegel. Theo đó, BND đã theo dõi số điện thoại, số fax và thư điện tử của một số cơ quan báo chí nước ngoài, trong đó có The New York Times, BBC và Reuters. Theo tờ Spiegel, họ đã có được danh sách ít nhất 50 số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử của các cơ quan báo chí bị BND theo dõi từ năm 1999. Danh sách này gồm văn phòng của The New York Times tại Áp-ga-ni-xtan, văn phòng của Reuters ở Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Ni-giê-ri-a, BBC tại Luân Đôn, một số cơ quan báo chí ở Cô-oét, Li-băng và Ấn Độ.

Bình luận về những bê bối gần đây của BND, nghị sĩ C.Vôn Nốt (Konstantin von Notz) thuộc Đảng Xanh của Đức đã gọi đó là những hành động “đáng hổ thẹn và không thể hiểu được”. “Chúng ta giờ đây biết rằng, ngoài các cơ quan lập pháp, công ty và báo chí thì cả những tổ chức quốc tế và nước đồng minh đều là mục tiêu theo dõi. Những biện pháp kiểm soát của quốc hội đã không phát huy hiệu quả. Điều đó cho thấy được mối đe dọa đối với tinh thần thượng tôn pháp luật của chúng ta”-nghị sĩ C.Vôn Nốt nhấn mạnh.

“Một sự thu thập trùng hợp”?

Cho đến nay, BND chưa bao giờ bình luận công khai về các hoạt động của cơ quan này. Theo tờ Spiegel, BND cho rằng họ chỉ có trách nhiệm giải trình trước chính phủ hoặc các cơ quan liên quan của Quốc hội Đức. Giám đốc đương nhiệm của BND B.Can (Bruno Kahl) vẫn luôn tìm cách lái câu chuyện tới vấn đề tương lai khi trả lời nghi vấn của truyền thông: “Đối tượng BND được phép và không được phép theo dõi sẽ là vấn đề được quốc hội thông qua bằng một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong tương lai”. Trong khi đó, cựu Giám đốc BND G.Sin-lơ (Gerhard Schindler) luôn khẳng định rằng cơ quan này không bao giờ theo dõi Mỹ và các đồng minh của Đức. Theo ông G.Sin-lơ, những thông tin mà truyền thông Đức có được chẳng qua chỉ là “một sự thu thập trùng hợp” các dữ liệu vốn đã bị xóa bỏ từ lâu.

Tuy nhiên, tờ Spiegel khẳng định rằng, không thể nào có chuyện danh sách "những đối tượng được lựa chọn" của BND tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ là “một sự thu thập trùng hợp”. Một điều đáng chú ý trong vụ bê bối mới nhất của BND, theo tờ Spiegel, đó là thậm chí cả Thư viện quốc gia Anh cũng là mục tiêu theo dõi của cơ quan này từ đầu những năm 2000. “Câu hỏi đặt ra là tại sao BND, vốn có mục tiêu chính là truy tìm khủng bố, những kẻ buôn bán vũ khí và rửa tiền, lại quan tâm tới cả những cơ sở học thuật như Thư viện quốc gia Anh?”-tờ Spiegel đặt nghi vấn về hoạt động của BND.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/do-tham-dong-minh-510748