'Độ ta không độ nàng' không màng xin tác giả

Bài hát 'Độ ta không độ nàng', sau ít ngày làm mưa làm gió trên không gian mạng, bỗng bị người đại diện tuýt còi.

Liên quan đến sự việc trên, PV báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Hồng Điền Cty luật TAT Law firm, về chủ đề này.

Theo anh, việc sử dụng nhạc chế (phổ lời của một ca khúc thịnh hành) trong quảng cáo online (nền tảng mạng xã hội như Facebook, youtube..) có cần phải xin phép ca sỹ, nhạc sỹ của ca khúc đó hay không?

Hiện nay, các vấn đề phát sinh từ bản quyền tác giả trên mạng xã hội là một vấn đề nhức nhối hiện nay, đặc biệt là hình thức “nhạc chế” hết sức phổ biến trên nền tảng internet, mạng xã hội. “Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

"Độ ta không độ nàng” không màng xin tác giả.

"Độ ta không độ nàng” không màng xin tác giả.

Theo qui định tại khoản 6 Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng qui định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội là “Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định này khi có yêu cầu”. Luật sư Điền nói.

Luật sư Điền còn cho biết: "Đối với người dùng mạng xã hội thì phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập. Tại khoản 5 Điều 24 Nghị định này qui định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp là “Thực hiện qui định của pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến việc cung cấp và sử dụng thông tin”.

Hiện nay, quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4, điều 19 Luật SHTT năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Căn cứ Quyền tài sản của tác giả quy định tại Luật SHTT, việc sữa chữa, cắt xén, công bố tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc (bao gồm các tác phẩm nổi tiếng hay không nổi tiếng) khi chưa được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là hành vi xâm phạm quyền tác giả, những tác phẩm này được gọi là tác phẩm phái sinh bất hợp pháp".

"Do đó, những hành vi sử dụng các ca khúc chế lời trên mạng xã hội mà không xin phép tác giả là hành vi vi phạm pháp luật. Tất cả những bản nhạc “chế” (được xem là tác phẩm phái sinh) bất hợp pháp được sử dụng khai thác với mục đích kinh doanh hay không kinh doanh trên các trang mạng như YouTube, nghe nhạc trực tuyến đang hoạt động hợp pháp kể cả việc trình diễn trong các tiết mục tấu hài trên sân khấu, trong những chương trình truyền hình đã và đang phát sóng đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ".Luật sư Điền nhấn mạnh.

Luật sử có thể cho biết, sử dụng nhạc chế trong kinh doanh (music marketing) như thế nào là vi phạm bản quyền? Hiện Việt Nam có điều luật, hình thức xử phạt vấn đề này chưa?

Như trên đã phân tích, chế nhạc là một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tác giả. Cụ thể, một trong những quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm của mình là được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, mọi hình thức xuyên tạc, chế lại tác phẩm là vi phạm khoản 5 điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi năm 2009.

Luật sư Trương Hồng Điền Cty luật TAT Law firm

Việc sử dụng nhạc chế trong kinh doanh vừa phải chấp hành đúng qui định của Luật sở hữu trí tuệ mà còn chấp hành theo đúng qui định của Luật quảng cáo 2012 là không vi phạm vào điều cấm: “Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

"Như vậy, đối với những đoạn quảng cáo thường sử dụng các ca khúc nổi tiếng để làm nhạc nền, nhạc hiệu, dù chỉ chỉnh sửa 1-2 từ trong ca khúc, người sử dụng vẫn phải xin phép tác giả và sử dụng sau khi đã đóng tiền tác quyền đầy đủ. Chỉ trong trường hợp người chế nhạc đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả thì mới được sử dụng nhạc chế. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý dân sự, hành chính hoặc hình sự. Theo đó, tại 225 Bộ luật hình sự 2015 qui định

Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm…” Luật sư Điền phân tích.

Tùy theo mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với tổ chức và 250 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 sửa đổi một số điều của Nghị định 131).

"Ngoài ra, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại đã xảy ra hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc". Luật sư Điền nói.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/do-ta-khong-do-nang-khong-mang-xin-tac-gia-d101566.html