Đo 'sức khỏe' doanh nghiệp

Sắp tới sẽ có Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp (DN) cả nước và các địa phương. Việc công bố Bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình 'sức khỏe' DN Việt Nam. Đồng thời giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển DN Việt Nam để có giải pháp thiết thực gỡ những nút thắt cho các DN đóng trên địa bàn.

Với bộ chỉ tiêu đánh giá, doanh nghiệp sẽ rõ hơn mình đang ở đâu.

Đầu tiên phải khẳng định với tinh thần kiến tạo, đồng hành cùng DN, Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết để nâng cao “sức khỏe” cho các DN. Nghị quyết 19 về tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN đã được thực hiện hơn 4 năm đã chứng tỏ quyết tâm gỡ khó cho các DN của Chính phủ. Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 đã chứng tỏ tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN.

Các Nghị quyết này ban hành ở những thời điểm khác nhau nhưng cốt lõi là hướng về DN với yêu cầu rõ ràng rằng: Các bộ ngành địa phương cần nâng cao chất lượng công tác đối thoại với cộng đồng DN, giải quyết thực chất, dứt điểm các vướng mắc của DN, công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với DN, và đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền nếu có những bất cập trong quy định pháp luật. Thậm chí nhiều UBND cấp tỉnh đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN ngay sau khi Chính phủ tiên phong mở kênh tiếp nhận kiến nghị trực tuyến của các DN trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Những động thái này của Chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng DN. Rõ ràng một Chính phủ kiến tạo, hành động đã rõ hình hài. Thế nhưng, thực tế thì trong 8 tháng năm 2018, cả nước có 41.660 DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, có nhiều lý do khiến nhiều DN phải rời bỏ thị trường. Nhưng số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn cao, chứng tỏ việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.

Vậy đâu là lý do các DN phải rời bỏ thị trường? Theo khảo sát của VCCI, sau 4 năm liên tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, đến cuối năm 2017 vẫn có tới 5.719 giấy phép con gây trở ngại cho DN. Rõ nhất vẫn là dù Thủ tướng đã có Chỉ thị số 20 yêu cầu các cấp các ngành chỉ kiểm tra các DN duy nhất 1 lần trong năm nhưng thực tế thì các đoàn kiểm tra vẫn nườm nượp kéo đến gây khó dễ khiến DN chẳng thể yên tâm làm ăn, kinh doanh.

Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, Nghị quyết 19 với mục tiêu cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất lợi cho DN, tạo điều kiện để DN nâng cao năng lực cạnh tranh là rất rõ ràng. Song, trong quá trình thực hiện vẫn “trên nóng, dưới lạnh”.

Để giảm bớt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi thực thi các chính sách, có rất nhiều việc phải làm, nhưng cứ nói chung chung DN gặp khó, nhưng khó thế nào, khó đến đâu rất cần một bộ tiêu chí có định lượng rõ ràng, để nhìn vào đó người ta sẽ biết các DN đang ở đâu trên bản đồ DN Việt Nam. Tại sao ở địa phương này DN lại phát triển còn ở địa phương khác lại không. Và ngay cả trong cùng một địa phương thì vì lẽ gì mà DN có DN sống khỏe, DN lại chết yểu?

Khi nói về Bộ chỉ tiêu đo “sức khỏe” của các DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: “”Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bộ số liệu này để đánh giá mức độ phát triển DN chung của cả nước và của từng địa phương, đồng thời cũng là bức tranh nói lên tình hình “sức khỏe” của DN về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động… Bên cạnh đó, Bộ chỉ tiêu này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35”, để tháo gỡ khó khăn một cách thiết thực cho các DN”.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin. Các bộ và các ngành sử dụng Bộ chỉ tiêu này để phân tích, đánh giá, đối chiếu và rà soát lại các chính sách của mình trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Đối với các địa phương, trên cơ sở số liệu của Bộ chỉ tiêu cũng phải phân tích, đánh giá thực trạng của DN địa phương mình, tính toán kỹ, có phương án phù hợp thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển DN, tiếp tục cải cách, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương. Các địa phương cũng tập trung quan tâm chỉ đạo ngành thống kê địa phương trong cung cấp thông tin về chỉ số đánh giá DN.

Nhiều ý kiến đề nghị rằng, ngoài việc ban hành Bộ chỉ tiêu để biết bức tranh toàn cảnh về DN, để khu vực DN tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững, bên cạnh việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, khẩn trương cắt giảm điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN… cần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực DN trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho DN, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Bởi DN lớn mạnh và phát triển bền vững không chỉ trong hoạt động trong nước mà còn đi ra biển lớn, mang lại nhiều thành công hơn nữa đóng góp cho đất nước.

Lục Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/do-suc-khoe-doanh-nghiep-tintuc420034