Đò qua, đò lại ở chùa Hương 'mùa… Covid-19'

Chưa bao giờ, giữa mùa hội mà chùa Hương lại vắng khách đến thế. Đò xếp hàng nằm phơi ở suối Yến, chủ đò nhàn nhã buông câu, mấy ông thầy viết sớ rủ nhau ngồi hát karaoke còn nhân viên cáp treo thì chơi game…

Gần 5.000 đò đậu ở suối Yến, chỉ có quãng hơn 100 đò hoạt động

Gần 5.000 đò đậu ở suối Yến, chỉ có quãng hơn 100 đò hoạt động

1. Vài năm trước, cái khó nhất đối với Ban tổ chức lễ hội chùa Hương là làm thế nào để ngăn chặt nạn “cò mồi”, đeo bám du khách, rồi thì “chặt chém”, rồi thì treo thịt thú rừng trước các cửa hàng ăn lối lên Thiên Trù trông rất phản cảm. Ấy vậy mà bây giờ, khi các hoạt động lễ hội phải tạm dừng để giảm thiểu tập trung đông người, ngăn bệnh, dập dịch thì bỗng dưng những thứ được gọi là tồn tại ở chùa Hương bấy lâu nay… hết hẳn. Chùa Hương “mùa… Covid-19” hóa ra thanh vắng. Đúng với những gì mà Chu Mạnh Trinh từng tả trong “Hương Sơn phong cảnh ca” là: “Bầu trời cảnh bụt”.

Trong khi ngồi chờ đò ở suối Yến, tiếng mặc cả của 4 vị khách với chủ đò bỗng lọt vào tai tôi. Khách thì khăng khăng là vé thắng cảnh đã gồm cả tiền đò không bồi dưỡng thêm. Chủ đò thì nài nỉ bảo vắng khách quá, suốt từ mùng 10 tháng Giêng đến giờ đò chưa đi thêm được chuyến nào, thôi thì các bác bồi dưỡng em thêm 100.000 đồng. Khách nhất định không. Chủ đò tiếp tục “tụt” giá xuống còn 50.000 đồng rồi thì cuộc “thương thảo” buộc phải dừng lại do độ “rắn” của du khách.

Chủ đò lên bờ tháo dây buộc, lẩm bẩm “hãm, ky bo”, khách ngồi dưới tức khí bảo, tôi cũng quê miền biển nhé. Ngày nào tôi chả chèo đò, bà ngồi đi tôi chèo cho. Miệng nói, tay cướp mái chèo, đẩy đò ra. Hóa ra anh này nói thật. Chèo đò siêu chả kém gì dân Yến Vỹ.

Đúng là, nếu không phải chùa Hương vắng khách, đò đi, đò về tấp nập rồi tắc đò, tắc đường lên động, tắc cả cáp treo thì làm sao mà nghe được những tiếng mặc cả rất đời thường kia.

Nhân viên ga cáp treo rảnh rang ngồi chờ khách

2. Vài năm trước, giữa mùa hội đi đò trên suối Yến đôi khi ngỡ mình đang ở một chợ nổi nào đó giữa miền Tây sông nước. Đò qua, đò lại tấp nập. Nhiều chủ đò biến đò thành một siêu thị di động, bim bim, thịt bò khô, nước ngọt, bia… thôi thì đủ thứ, gì cũng có. Hãi hùng nhất là loa. Mỗi siêu thị di động được trang bị một loa kéo tay. Nhạc nhẽo oang oang bật. Suối càng đông đò thì càng phải bật to để thu hút sự chú ý mới bán được hàng. Thành ra, bên này Mỹ Tâm, bên kia Quang Dũng, đò dọc thì Giang Hồng Ngọc mà đò xuôi thì Phương Thanh. Âm thanh cứ náo loạn hết cả lên.

Chùa Hương “mùa… Covid-19” thành ra lại yên ả. Siêu thị mini trên thuyền thanh thản xuôi. Có khách mấy đâu mà bật loa làm gì cho tốn điện. Thi thoảng bắt gặp một hai thuyền khe khẽ bật Tân Nhàn hát “Cô Đôi thượng ngàn”. Khách vui vẻ lẩm nhẩm hát theo: “Thiều quan sáng tỏ lưng trời/Một màu son sắc tốt tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa á a a á à à a…”.

Lối lên Thiên Trù vắng khách

3. Bến Thiên Trù hai tấm biển to choán ngợp cửa zic zắc, một bên tuyên tuyền về chủng mới của virus Corona, dấu hiệu bệnh, nguy cơ lây nhiễm và cách phòng chống. Một bên khẩu hiệu đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng và rửa tay diệt khuẩn. Hai bàn kê sát lối soát vé với đầy đủ nước rửa tay khô. Đảm bảo du khách sát khuẩn tay rồi mới qua trạm soát vé. Nhân viên soát vé thay vì ứng trực 24/24h trong suốt 3 tháng hội nay được rút bớt chỉ có 2 người nhàn nhã đứng, khẩu trang đeo kín mít. Khách đi qua cửa cũng khẩu trang kín mít. Gật đầu chào nhau thay nụ cười thân thiện.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn cho biết, lượng khách đến chùa Hương chỉ bằng 1/4 so với những năm trước. Mà đâu xa, ngay năm ngoái, chùa Hương đón tới tận 1,3 triệu lượt khách. Tính cho tới thời điểm hiện tại, số lượng khách mới chỉ khoảng hơn 3 vạn. Tuy nhiên, 3 vạn lượt khách vẫn là con số đáng mơ ước của nhiều thắng cảnh trên toàn miền Bắc ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng và khó lường này.

Giải thích ngọn ngành thì ông Nguyễn Đình Toàn cho biết là khách đi trước và trong ngày khai hội khoảng từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng. Kể từ khi dịch bệnh diễn ra, cao điểm có ngày chùa Hương chỉ đón vài trăm khách. Mấy hôm nay, kể từ khi người cuối cùng trong số 16 người mắc virus Corona chủng mới ra viện.

Hơn chục ngày qua, Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới nào. Du khách cũng có phần an tâm hơn. Đến với chùa Hương nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Toàn khẳng định, cán bộ và nhân viên Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn không vì thế mà chủ quan. Việc nhắc nhở người dân vệ sinh phòng dịch vẫn đảm bảo sát sao.

Nhà báo Vân Quế

4. Con đường lên động Hương Tích chưa bao giờ vắng thế vào những ngày hội. Hàng quán bên đường la liệt hàng bầy bán mà rất ít khách hỏi mua. Mấy hàng bán bánh củ mài gọi với theo chào khách thân thiện: “Thôi chị không mua cũng được nhưng ăn thử miếng cho vui đi. Em ngồi không cũng chán!”.

Khách dừng lại thì bắt đầu kể khổ, nào là tiền hàng phải trả hết từ trong năm. Tiền thuế khóa các loại cũng trả hết từ trong năm. Hàng tập kết vào từ trước Tết. Nay ế quá, không bán được lại phải chở hàng ra. Đường sá mang ra mang vào thì khó khăn.

Giá vận chuyển là 180.000 đồng/chuyến chuyển vào đến động Hương Tích, đến suối Giải Oan gần hơn là 150.000 đồng/chuyến. Giờ không bán được là phải mang ra. Giá cũng vẫn như thế. Riêng tiền vận chuyển thôi đã mất cả một khoản kha khá rồi.

“Khéo chúng tôi vỡ nợ mất”- Một chủ hàng cảm thán! Rồi lại tràn trề tin tưởng, hy vọng: “Đọc báo thấy Việt Nam dập dịch rất tốt. Hy vọng sang tuần sau tình hình ổn hơn. Người đi lễ vẫn nhớ chùa Hương mà về cho chúng tôi… đỡ khổ!”.

Nhà báo Vân Quế

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/do-qua-do-lai-o-chua-huong-mua-covid19/844938.antd