Đỗ Nhật Nam không ’khác biệt" ở Newton

PV: - Những ngày gần đây, tên tuổi cậu bé Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 6 của Trường Newton, là sự kiện nóng hổi trên các báo và các diễn đàn xã hội với những luồng dư luận trái chiều. Là Hiệu phó của ngôi trường Newton, bà nghĩ gì về sự kiện liên quan đến học trò của mình?

PV: - Những ngày gần đây, tên tuổi cậu bé Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 6 của Trường Newton, là sự kiện nóng hổi trên các báo và các diễn đàn xã hội với những luồng dư luận trái chiều. Là Hiệu phó của ngôi trường Newton, bà nghĩ gì về sự kiện liên quan đến học trò của mình?

Bà Lê Thị Bích Dung: - Dù Nhật Nam trả lời phỏng vấn báo chí trong lúc cùng gia đình đi chơi xa Hà Nội nhưng đối mặt với dư luận nhiều chiều, tôi và tập thể cán bộ giáo viênTrường Newton luôn hiểu rõ về học trò của mình và tin tưởng Nhật Nam.

Chúng tôi bình tĩnh đón nhận và đương nhiên cũng phải suy nghĩ nhiều về phản ứng từ các tờ báo có uy tín cũng như các trang mạng xã hội về học trò của mình.

Trước hết, trò Đỗ Nhật Nam mới đang học lớp 6, đang trong lứa tuổi thơ ham học, ham vui. Lứa tuổi mở rộng tâm hồn đơn sơ, trong sáng để đón nhận mọi thứ từ kiến thức học tập trong Trường Newton cho đến cảm nhận thế giới xung quanh mình như tất cả các cô cậu học trò lớp 6 khác.

Phát ngôn của các em trong độ tuổi này không nên và không thể đòi hỏi phải là chân lý để bắt bẻ, suy diễn, càng không nên tạo sức ép làm tổn thương tâm hồn các em.

Những phát ngôn trong độ tuổi của bé Nhật Nam thường là cảm nhận bột phát, tức thời ngay lúc đó và cũng thường là cảm tính bồng bột, trong sáng. Thông qua những nhận xét như vậy, chúng ta hiểu được tâm hồn của các em hơn và với tư cách là những người lớn tuổi, những phụ huynh, và nhà giáo...thì chúng ta có được cơ hội hiểu rõ tâm hồn các em hơn, có cơ hội uốn nắn, điều chỉnh lại kịp thời những gì thái quá, chưa đúng hoặc động viên khuyến khích các em nếu đó là những nhận thức đúng đắn.

Với phát ngôn về truyện tranh của bé Nhật Nam vừa qua, chúng tôi cho rằng đó là phát biểu tự nhiên, tức thời của một cậu học trò lớp 6 khi được hỏi, vậy thôi.

PV: Thực chất, dư luận đặt câu hỏi đầy nghi vấn với nhận xét của cậu học trò lớp 6 Đỗ Nhật Nam về việc đọc sách và đặc biệt là truyện tranh "mẹ em bảo, truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn"...Luồng dư luận chỉ trích cho rằng cậu bé quá già dặn so với lứa tuổi, tiếc cho cậu học trò lớp 6 không có tuổi thơ bình thường....Là lãnh đạo quản lý Trường Newton, nơi bé Nhật Nam đang theo học, bà có thể cho biết, bé Đỗ Nhật Nam có phải là trường hợp 'đặc biệt' và bị áp cho một chương trình học 'đặc biệt' không?

Bà Lê Thị Bích Dung: - Chưa có ai định nghĩa cứ tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh...Tuổi thơ đúng nghĩa là tuổi thơ mà đứa trẻ được sống với đúng niềm vui và sở thích của chúng, chỉ cần sở thích ấy lành mạnh, hướng tới điều tốt lành.

Bé Nhật Nam có quyền không thích đọc truyện tranh ở lứa tuổi em vì đó không phải là sở thích của em. Em thích đọc các sách tin học, chính trị, xã hội chứ không thích truyện tranh, điều này có thể khác với nhiều bạn học cùng lớp với Nhật Nam hoặc nói một cách khác: những bạn học cùng lớp với Nhật Nam có những sở thích khác nhau về đọc sách. Trò Nhật Nam đã nói lên sở thích của mình một cách trung thực với chính em ấy, điều này cũng giống như các trò khác nói trung thực về sở thích của chính mình, theo tôi, đã là sở thích riêng, cá nhân mà vẫn dựa trên nền tảng không vi phạm điều gì thì đó là dấu hiệu cởi mở, tốt cho giáo dục nhân cách.

Với quan điểm đó nên tại Newton chúng tôi không coi Nam là trường hợp “đặc biệt” và tất nhiên không bị áp cho một chương trình học ‘đặc biệt” nào. Học sinh Newton mỗi trò có một một khả năng riêng. Chúng tôi giúp các em phát triển tự nhiên những tài năng đó, đúng như khẩu hiệu của nhà trường: “vun đắp tài năng Việt”.

Cô Lê Thị Bích Dung cùng học trò Đỗ Nhật Nam trong buổi đón GS.TSKH. Trần Văn Nhung - nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về thăm trường. Ảnh: website trường.

PV: - Bà có thể cho biết, bé Nhật Nam khi ở trường so với các bạn bè cùng lứa có biểu hiện gì 'đặc biệt', 'khác biệt' không?

Bà Lê Thị Bích Dung:- Ở trường Newton, Nhật Nam là một học sinh bình thường như các bạn khác. Em không phải học sinh Lớp chọn, không phải Lớp trưởng, Lớp phó...

Nam là một học sinh ngoan, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao. Nam là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh. Em luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch,...cùng với các bạn trong lớp.

Nam chăm chỉ học hành và học đều tất cả các môn. Em có năng khiếu rất tốt về MC và năng khiếu đặc biệt về tiếng Anh. Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên, trong sáng. Em đọc sách nhiều nên khả năng ngôn ngữ của em tương đối chuẩn.

Tất cả các bạn trong lớp đều quý và chơi thân với em Nam. Kết quả em có được như hiện nay là do sự chăm chỉ học hành cộng với một phần năng khiếu của em.

Đặc biệt Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi cảm nhận được nét hồn nhiên và trong sáng ở em, chứ không phải những điều ‘đặc biệt’, ‘khác biệt’ mà mọi người vẫn gán cho em.

Ở Newton, ai nói chuyện với Nam đều có thiện cảm, khen em cởi mở, lễ phép, thông minh. Bản thân Nam luôn cố gắng tránh những lời khen người khác dành cho mình. Việc xã hội tung hô, nói em tài giỏi quá nhiều cũng là một áp lực lớn đè nặng lên vai những mầm non, tương lai đang còn dài ở phía trước này.

PV: - Với tư cách là một nhà giáo dục, quản lý Trường Newton, xin bà cho biết cách thức áp dụng giáo dục với những tâm hồn thơ trẻ, dễ bị thương tổn ra sao? Trong trường hợp cụ thể của bé Nhật Nam thì quan điểm ứng xử của Trường Newton với dư luận và với bé Nhật Nam như thế nào?

Bà Lê Thị Bích Dung:- Với cá nhân tôi cho rằng, mọi người hãy giữ cho em một tuổi thơ bình yên và giúp em tiếp tục hoàn thiện mình.

Nam vẫn chỉ là một đứa trẻ đang phát triển, em rất cần người lớn bao bọc, chở che chứ không phải chỉ trích, phán xét em. Việc làm đó khiến người lớn còn bị tổn thương huống chi một đứa trẻ 11 tuổi? Đặc biệt ở lứa tuổi này của em lại rất dễ bị tổn thương và sốc tâm lý. Em cần một môi trường bình thường để được tiếp tục phát triển và hoàn thiện mình.

Chúng tôi sẽ làm tất cả để ở Newton, Nhật Nam luôn được bình yên và hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa.

Hồng Tiệp (thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/201304/do-Nhat-Nam-khong-khac-biet-o-Newton-2345433/