Độ mở và lưới lọc trong chương trình mới Ngữ văn

Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể các văn bản được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, một số tác phẩm có vị trí đặc biệt, bắt buộc dạy học trong nhà trường như: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh).

ảnh minh họa/internet

ảnh minh họa/internet

Tất cả các văn bản còn lại, chương trình chỉ nêu gợi ý, khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó, độ dài và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học. Một số ý kiến cho rằng, độ mở quá rộng này gây khó khăn trong thống nhất chương trình, kiểm tra, đánh giá cũng như trong kiểm soát các ngữ liệu được đưa vào dạy học.

Có nên chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc?

Tại tọa đàm góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn do Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 22/3, có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn trước độ mở của chương trình Ngữ văn mới.

PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) khi đánh giá về dự thảo chương trình môn Ngữ văn cho rằng đây là bản thảo rất công phu, rất bài bản và chi tiết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử biên soạn sách giáo khoa, chương trình một môn học được dự thảo và trưng cầu ý kiến khá rộng của các nhà chuyên môn, các nhà giáo, nhà văn.

“Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm 2-3% toàn bộ chương trình thì ý nghĩa cứng của chương trình sẽ mất đi và chương trình không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng”

PGS.TS Nguyễn Bá Thành

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Bá Thành cho rằng, chương trình cần định tính và định lượng rõ hơn giữa các cấp học; cần mở rộng tác phẩm quy định dùng cho nhà trường qua cơ chế chọn lọc của các hội đồng, như Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nhà văn, Hội Ngôn ngữ học và Hội đồng khoa học của Bộ GD&ĐT. Cần dựa vào c hương trình đang thực học hiện nay và tăng cường thêm các tác phẩm văn học có giá trị để góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ.

“Nếu tác phẩm bắt buộc chỉ chiếm 2-3% toàn bộ chương trình thì ý nghĩa cứng của chương trình sẽ mất đi và chương trình không đảm bảo yêu cầu định tính và định lượng” - PGS.TS Nguyễn Bá Thành chia sẻ.

GS.TS Lã Nhâm Thìn (nguyên trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội) đồng ý cần xây dựng chương trình theo hướng mở, nhưng cũng cho rằng nên cân nhắc lại quan niệm: giáo viên dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, có thể tùy chọn bất kỳ tác phẩm nào, miễn là đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt.

Theo GS, văn học trong nhà trường là văn học mang định hướng tư tưởng, có tính giáo dục, nên “mở” để tạo nên tính đa dạng trong sự thống nhất như “mở” quá mức độ sẽ dẫn đến những khó khăn trong khâu kiểm tra, đánh giá”.

PGS.TS Phạm Quang Long (ĐHQG Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn nếu chỉ chọn 6 tác phẩm, còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử. Bên cạnh đó, lựa chọn sai ngữ liệu sẽ dẫn đến những kết quả không mong muốn.

“Cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ các tác phẩm được chọn như là những yêu cầu bắt buộc, hay ít nhất cũng chỉ hạn chế lượng tác phẩm tự chọn chiếm xấp xỉ 20-25% chứ không mở rộng như hiện nay. Số tác phẩm tự chọn này cũng phải được chương trình giới thiệu và những người viết sách hoặc tổ chức giảng dạy cũng chỉ được lựa chọn trong số ấy” - PGS.TS Phạm Quang Long đề nghị.

Mở nhưng có nhiều tầng lưới lọc

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên chương trình môn Ngữ văn – chương trình đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc không có nghĩa là chỉ dạy 6 tác phẩm ấy. Trong số 2.520 tiết, 6 tác phẩm nói trên chỉ chiếm 20 tiết, còn lại 2.500 tiết để dạy các tác phẩm khác.

Trước băn khoăn về việc tự chọn tác phẩm, PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: Trước hết phải tin vào các tác giả viết sách, họ đều là các chuyên gia có học hàm, học vị cao đến từ các trường đại học lớn. Bên cạnh đó việc lựa chọn văn bản- tác phẩm phải tuân thủ các quy định về tiêu chí và yêu cầu của chương trình; rồi lại phải thông qua sự thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa. Cuối cùng, trong cơ chế có nhiều bộ sách giáo khoa, nếu bộ nào kém chất lượng, chắc chắn cuốn sách đó sẽ bị các thầy cô giáo, các em HS đào thải.

“Cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ các tác phẩm được chọn như là những yêu cầu bắt buộc, hay ít nhất cũng chỉ hạn chế lượng tác phẩm tự chọn chiếm xấp xỉ 20-25% chứ không mở rộng như hiện nay. Số tác phẩm tự chọn này cũng phải được chương trình giới thiệu và những người viết sách hoặc tổ chức giảng dạy cũng chỉ được lựa chọn trong số ấy” PGS.TS Phạm Quang Long.

Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi về vấn đề này cũng đưa ra 4 “lưới lọc” khi thực hiện một chương trình Ngữ văn mở. Thứ nhất là trong chương trình đã đưa ra các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản (ngữ liệu). Thứ 2 là Thông tư của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn sách giáo khoa cũng như tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Tầng lọc thứ 3 là các nhà xuất bản; cuối cùng là Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia.

Theo công bố của Ban soạn thảo, Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

Những văn bản khác được chương trình nêu lên trong phần phụ lục chỉ như một gợi ý về ngữ liệu, minh họa về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp và nhóm lớp.

Căn cứ vào các yêu cầu bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên môn Ngữ văn hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình.

Giáo viên được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học, miễn là bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối cấp không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/do-mo-va-luoi-loc-trong-chuong-trinh-moi-ngu-van-3919714-v.html