'Đổ mồ hôi Anh'- căn bệnh bí ẩn của thế kỷ 16

'Ðổ mồ hôi Anh' là dịch bệnh bí ẩn bùng phát tại Anh và lục địa châu Âu lần đầu năm 1485 với các triệu chứng xảy ra đột ngột, tỷ lệ tử vong 95-100% nhưng đến nay còn nhiều bí ẩn y học hiện đại vẫn chưa hiểu hết.

Căn bệnh kỳ lạ

Mặc dù diễn ra nhiều thế kỷ nhưng căn bệnh lạ diễn ra cuối thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 16 hậu thế vẫn chưa hiểu hết. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, Anh (UoC), bệnh có tên “Đổ mồ hôi Anh” (English Sweating Sickness hay Sweating Sickness hoặc Sudor Anglicus) là căn bệnh bí ẩn, dễ lây ở Anh và lục địa châu Âu bắt đầu vào năm 1485 và đợt cuối diễn ra vào năm 1551 trước khi biến mất.

Triệu chứng gồm cảm giác sợ hãi đột ngột, sau đó là đau đầu, đau cổ và mồ hôi lạnh toát. Ngoài ra, còn có các triệu chứng điển hình khác như mê sảng, chóng mặt, sốt, mất nước và tim đập nhanh, đôi khi có triệu chứng kiểu như chuột rút. Có khoảng 30-50% tử vong trong vòng 3-8 giờ đồng hồ. Đặc biệt, người chết bốc ra mùi rất đặc trưng, ban đầu, mùi hôi thoát ra từ miệng, sau đó, toàn bộ cơ thể bao phủ bởi mồ hôi có mùi hôi khó chịu. Bệnh nhân rất buồn ngủ và xỉu luôn, hầu hết tử vong trong 24 giờ đầu tiên. Điều đáng chú ý “Đổ mồ hôi Anh” không ảnh hưởng đến trẻ em và người già, chỉ rơi vào nhóm người trung niên. Kháng thể miễn dịch với “Đổ mồ hôi Anh” không được tạo ra trong cơ thể nên tỷ lệ tử vong cao. Nếu qua khỏi thì sự tái nhiễm cũng rất cao và quan trọng hơn, nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa hiểu hết, kể cả nguồn gốc.

Bệnh “Đổ mồ hôi Anh” chứa đựng nhiều bí ẩn.

Bệnh “Đổ mồ hôi Anh” chứa đựng nhiều bí ẩn.

Theo tạp chí History trực tuyến, bắt đầu từ năm 1485, có tới 5 trận dịch “Đổ mồ hôi Anh” diễn ra liên tiếp tại Đức, Anh và một số khu vực châu Âu. Riêng tại Anh được xem là bí ẩn và tồi tệ hơn cả, người ta tình nghi là do binh lính người Pháp được cha Vua Henry VIII thuê trong Cuộc chiến tranh hoa hồng 1487 mang đến. Thay vì bảo vệ ngai vàng cho Henry, những người này lại gieo rắc dịch bệnh khiến triều đại của Vua Anh bị “toát mồ hôi và tử vong hàng loạt”. Theo lời Thomas More - cố vấn của Vua Henry VIII thì ở chiến trường người ta còn cảm thấy an toàn hơn ở thành phố khi bệnh bùng phát. “Sợ lây nhiễm nên các quan chức triều đại của Vua Henry liên tục phải di chuyển. Nhà vua phải mang theo cả hoàng tộc lẫn những người thân tín đi xa, đã có lúc phải giải tán triều đình”, Thomas More còn lưu lại. Theo tạp chí Viruses, nhà soạn kịch lừng danh của Anh thời Phục hưng - W.Shakespeare đã mô tả căn bệnh chết người này khá rõ trong vở kịch nổi tiếng của ông, tựa đề Measure for Measure (Mạt cưa, mướp đắng).

Theo một số nghiên cứu, đợt dịch đầu tiên liên quan đến cuộc đảo chính mà Henry Tudor đã phát động chống lại Richard III năm 1485. Năm 1480, lính đánh thuê người Pháp của Heinrich đã tham chiến chống lại Đế chế Ottoman ở Rhodes và từ đây họ đã mang theo cả căn bệnh này đến Anh, lấy đi khoảng 15.000 sinh mạng người London sau 6 tuần. Trong các thế kỷ XV-XVI, căn bệnh này lặp lại 5 lần, trải dài từ Anh, Pháp, lan sang Đức, sau đó di chuyển dọc bờ biển Baltic, đến Thụy Điển, Ba Lan, Litva và Novgorod (Nga).

Những lý giải của khoa học ngày nay

Sở dĩ được xem là căn bệnh bí ẩn vì ngay cả các bác sĩ thời trung cổ cũng không xác định được mầm bệnh. Triết gia Francis Bacon - người viết tiểu sử Vua Henry VII đã gọi vị vua này là người “cai trị trong đau đớn” bởi không thể kiểm soát được dịch bệnh, lý do đơn giản là không hiểu rõ nó từ đâu đến cũng như nguyên nhân gây bệnh. Dường như nó không lan truyền qua máu hoặc dịch tiết của cơ thể nên có người không tin bệnh lây từ người sang người. Có người lập luận là do “tạp chất ngoại lai gây ra”. Sau này, có giả thiết cho rằng những đợt bùng phát “Đổ mồ hôi Anh” trùng với sự khởi đầu của thời kỳ nguội dần của các núi lửa ở Indonesia. Cũng có ý kiến bệnh bùng phát sau lũ lụt, mưa nhiều, khi loài gặm nhấm tăng mạnh, thủ phạm lan truyền dịch bệnh. Khoa học hiện đại coi “Đổ mồ hôi Anh” thuộc bệnh truyền nhiễm do Hantavirus gây ra.

Bệnh đổ mồ hôi ở Anh bỗng dưng biến mất vào năm 1551 và đến năm 1718, một bệnh tương tự có tên Đổ mồ hôi Picardy lại bùng phát tại Pháp, sau đó là các đợt bùng phát hạn chế, lẻ tẻ kéo dài đến năm 1861. Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Quân đội Queen Astrid, Brussels, Bỉ lập luận Hantavirus là thủ phạm gây bệnh, do dơi, động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột lan truyền. Đây là loại virus RNA gram âm thuộc họ Bunyaviridae. Con người có thể nhiễm virus này qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với loài gặm nhấm.

Khắc Hùng

((Theo Grunge/EWO, 5/2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/do-mo-hoi-anh-can-benh-bi-an-cua-the-ky-16-n174881.html