Đỗ Merlo: 'Ra đi vì Huỳnh Đức bảo không cần tôi nữa'

Bất chấp mối quan hệ đặc biệt từng có với Lê Huỳnh Đức, Đỗ Merlo khẳng định rời Đà Nẵng vì 'quá khó để làm việc cùng anh ta dù chỉ thêm một năm nữa'.

Quần đùi xám, áo khoác mỏng màu đen và mũ lưỡi trai, Đỗ Merlo xuất hiện thật ngầu từ căn hộ cao cấp mà CLB thuê cho anh giữa thành Nam. Suốt cuộc đối thoại, Merlo không một lần bỏ mũ. Vẻ ngoài hầm hố của anh chàng mang 2 quốc tịch Argentina - Việt Nam từng khiến nhiều hậu vệ sợ chết khiếp.

Anh nhờ tôi gọi một tách cà phê, phải là latte và cỡ vừa. Tách chưa rời môi, Merlo đã “mở máy”. Hồi ức của anh là câu chuyện của một trong những ngoại binh hay nhất lịch sử V.League, người đã nhập tịch Việt Nam nhưng chưa bao giờ muốn khoác áo đội tuyển.

- Này, anh có biết mình trẻ hơn lúc ở trên sân không? Lúc ấy, anh có vẻ dữ tợn và khó gần, lại thêm điệu bộ gầm gừ nữa.

- Ồ, nhiều người đã nói vậy đấy nhưng đây là ngoài sân mà, tôi không cần gầm gừ, đe dọa ai cả. Bạn nhìn tôi này (bật cười).

- Tôi nói về vẻ ngoài của anh vì nhớ tới trận Nam Định gặp CLB Hà Nội hồi tháng 3. Anh đã 35 tuổi còn hậu vệ đội bạn đều chỉ hơn 20. Họ phải gọi anh bằng chú đấy.

- Tất nhiên rồi, tôi 35 tuổi còn các cậu ấy quá trẻ. Tôi cũng biết cậu này (chỉ vào tấm hình Nguyễn Thành Chung - PV). Tôi từng đối đầu cậu ta mùa trước. Cậu ấy là một tài năng của bóng đá Việt Nam, người khiến tôi rất bất ngờ. Hai hay 3 năm nữa, cậu ấy sẽ là trung vệ số một Việt Nam.

- Anh vẫn ghi bàn vào lưới đội bóng của cậu ấy đấy thôi?

- Đương nhiên, năm nào tôi chẳng ghi bàn. Tất nhiên, có trận tôi ghi bàn, có trận không ghi. Cả sự nghiệp của mình, tôi luôn đá tiền đạo nên rất hạnh phúc khi vẫn có thể ghi bàn ở tuổi 35. Bí quyết của tôi là tập luyện hàng ngày và luôn gắng hết sức để ghi bàn.

- Hãy kể với tôi về cách anh đến với bóng đá, đến với Việt Nam đi. Từ Argentina tới đây là nửa vòng trái đất đấy.

- Ồ, tôi sẽ bắt đầu nói với bạn về bóng đá đường phố. Bạn biết không, ngày tôi còn nhỏ, tất cả lũ trẻ cùng ra đường chơi bóng. Chúng tôi chơi mà chẳng chút âu lo. Thật điên rồ, không có giày, chúng tôi vẫn đá. Mưa, chúng tôi vẫn đá. Cứ ngày nào không phải đi học là chúng tôi chơi bóng, chơi cả ngày, cả ngày thật sự nhé.

Đến năm 17 hay 18 tuổi gì đó, tôi gia nhập một CLB ở quê nhà Cordoba, Argentina. Sau này, tôi quen Mauricio Luis, người từng thi đấu và làm HLV cho Hà Nội ACB. Anh ta gợi ý tôi đến Việt Nam. Mauricio bảo tôi là cầu thủ giỏi. Lúc đầu, tôi cũng sợ vì tôi chưa từng biết gì về bóng đá Việt Nam.

- Sợ nhưng anh vẫn đi đấy thôi?

- Vì tôi phải thay đổi cuộc sống của mình. Ở Argentina, đá bóng không kiếm được nhiều tiền. Bạn phải đá cho Boca Juniors hay River Plate mới được nhận lương cao. Tôi cần kiếm một chỗ làm tốt để nuôi gia đình mình. Cuộc sống ở Argentina ngày một khó khăn hơn. Chúng tôi phải làm việc rất vất vả để kiếm sống trong khi vật giá cứ leo thang từng ngày.

- Những lo sợ có kết thúc khi anh tới Việt Nam không?

- Vẫn lo sợ chứ. Mọi thứ ở đây đều mới mẻ. Tôi thấy xe máy ở khắp mọi nơi. Lúc đầu, chúng tôi gần như không thể sang đường vì nhiều xe máy quá. Đó là điều làm gia đình tôi bỡ ngỡ hơn cả. Cuộc sống ở Việt Nam cũng rất hối hả, mọi người di chuyển, làm việc liên tục. Tại Argentina, mọi thứ trầm lắng hơn, bạn đi làm xong về nhà ngủ. Còn tại đây, tôi thấy mọi người chẳng hề nghỉ ngơi.

- Trên sân cỏ, mọi thứ ổn đấy chứ?

- Đúng vậy. Trước khi tới Việt Nam 6 tháng, tôi đã gửi băng hình cho Đà Nẵng rồi tới thẳng đây thử việc. Họ ký hợp đồng rất nhanh, mọi chuyện đều thuận lợi.

Tuy nhiên, tôi đã ngạc nhiên vì cầu thủ Việt Nam nhanh quá. Ở Argentina, người ta chơi bóng chậm hơn. Còn tại đây, họ cứ vù vù, nhanh lắm. Lúc đó, tôi biết mình phải điều chỉnh ngay để thích nghi với tốc độ bóng đá tại đây. Cầu thủ Việt Nam giỏi. Vấn đề là họ chơi hay trên sân tập nhưng vào trận thì không được như vậy. Trong các buổi tập, họ là những cầu thủ chất lượng.

- Đà Nẵng có một công thức: Cầu thủ nội tạt cánh, Merlo đánh đầu. Các anh chơi đơn giản vậy mà cũng 2 lần vô địch V.League nhỉ?

- Đối với tôi, việc đó càng dễ dàng hơn vì trước khi tôi đến, Đà Nẵng có Almeida (Jose Emidio de Almeida, ngoại binh Đà Nẵng trong giai đoạn 2006-2009 - PV). Almeida và Merlo là 2 cầu thủ giống hệt nhau. Các cầu thủ khác chỉ cần tạt vào cho Almeida, rồi Merlo. Khi tôi đến, họ chẳng cần thay đổi gì cả. Đà Nẵng có những cầu thủ tạt bóng rất giỏi. Tôi cũng may mắn vì điều đó giúp tôi có nhiều cơ hội ghi bàn.

Tôi nghĩ mình sinh ra là để dành cho V.League. Năm nào cũng vậy, tôi bước vào mùa bóng với quyết tâm phải trở thành Vua phá lưới. Nhưng không phải lúc nào, tôi cũng đạt được điều đó. Bạn biết đấy, chỉ một người được đứng trên đỉnh cao thôi. Cristiano Ronaldo chẳng hạn.

- Anh nói đến Ronaldo mà không phải người đồng hương Messi?

- Messi ở một tầng khác cao hơn rồi. Tất nhiên, Ronaldo cũng là một cầu thủ xuất chúng.

- 10 năm anh ở Đà Nẵng, có đội bóng nào khác muốn chiêu mộ anh không?

- Nhiều lắm, nhưng Đà Nẵng là một thành phố tuyệt vời và con người nơi đây cũng rất tốt. Điều đó giúp cuộc sống của gia đình tôi dễ dàng hơn. Chúng tôi thích nghi với nơi này quá nhanh đến mức khó mà thay đổi được. Đối với tôi, tốt nhất là nên ở yên một đội bóng. Thu nhập tăng thêm 1.000 USD không đáng là bao.

Sau 10 năm, CLB Đà Nẵng không cần nữa thì tôi mới ra đi.

- Chuyện anh ra đi có liên quan tới HLV Lê Huỳnh Đức không? Hai người đều là những tính cách dữ dội, làm thế nào các anh dung hòa được với nhau lâu đến vậy?

- Các mối quan hệ đều rất phức tạp. Tôi sẽ nói đơn giản thế này, Huỳnh Đức là người có cá tính mạnh. 2-3 năm gần đây, anh ấy trở nên khó chịu hơn. Nhiều thứ luật lệ tại CLB đã thay đổi, ví dụ như việc cầu thủ phải ăn ở tập trung. Tôi không còn thời gian cho cuộc sống bên ngoài, cho gia đình. Điều này quá khó khăn với tôi.

Tôi đã nói chuyện với Huỳnh Đức rất nhiều lần về chuyện đó. Tôi bảo xin lỗi anh nhưng thế này không tốt cho tôi. Lần nào cũng vậy, chỉ anh ấy nói và không ai có thể lay chuyển được. Thật khó khăn, không bao giờ có chuyện anh ấy thay đổi quyết định, thay đổi chuyện tập thể vì một người.

Mấy năm gần đây, làm việc với anh ấy rất khó khăn. Năm ngoái, anh ấy nói CLB Đà Nẵng không cần tôi nữa. Ổn thôi, tôi nghĩ cũng đến lúc mình cần thay đổi. Quá khó mà làm việc với anh ấy thêm dù chỉ một năm nữa mà vẫn trong tình trạng như thế.

- Mọi người nói rằng quyền lực của Lê Huỳnh Đức tại Đà Nẵng rất lớn?

- Đúng thế, nhưng tất nhiên một huấn luyện viên cũng cần thể hiện quyền lực của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ anh ấy nên nhẹ nhàng hơn một chút ở vài thời điểm. Nhiều lúc, anh ấy nói nhiều quá, gây ra sức ép lớn cho cầu thủ khiến họ sợ hãi. Điều đó không tốt đâu. Anh ấy nên bớt căng thẳng đi một chút. Trong bóng đá, không phải lúc nào đe nẹt cầu thủ cũng tốt, đôi lúc anh ấy cần làm bạn với cầu thủ để họ thấy tự tin hơn. Tất nhiên, cá tính mạnh cũng là điểm tốt của HLV, nhưng không phải trong mọi trường hợp đều hiệu quả tích cực.

- Tôi cảm thấy anh vẫn dành cho Huỳnh Đức sự tôn trọng lớn.

- Đúng thế. Có lúc chúng tôi mâu thuẫn nhưng rồi mọi chuyện lại ổn. Chúng tôi vẫn hỏi thăm nhau như những người bạn. Nếu không phải vì Huỳnh Đức, chắc gì tôi đã chơi cho Đà Nẵng đến 10 năm. Bây giờ, anh ấy làm việc cho Đà Nẵng, còn tôi chơi cho Nam Định. Tôi đang khoác một màu áo khác. Nếu ghi bàn vào lưới Đà Nẵng, tôi cũng không biết mình có ăn mừng hay không. Tôi không biết trước khoảnh khắc ấy sẽ xảy ra như thế nào.

- Nếu Huỳnh Đức mời anh về Đà Nẵng lần nữa, anh sẽ nói gì?

- Tôi sẽ nhận lời, chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng như tôi đã nói, tôi sẽ phải hỏi gia đình mình đã.

- Năm 2017, anh nhập quốc tịch Việt Nam? Vì sao anh đồng ý nhập tịch?

- Tôi phải cảm ơn đất nước Việt Nam. Tôi đã đến, sống và làm việc rất nỗ lực ở Việt Nam. Tôi rất biết ơn những người đã giúp tôi nhập quốc tịch. Tôi làm điều đó trước tiên là vì đội bóng. Thêm một cầu thủ nhập tịch là điều có lợi cho CLB, giống như là thêm một cầu thủ ngoại vào đội hình vậy. Khi Đà Nẵng đề nghị, tôi đồng ý vì tôi đã cống hiến nhiều cho Đà Nẵng và Đà Nẵng cũng cho tôi nhiều thứ.

Bây giờ, không còn nhiều cầu thủ nhập tịch giỏi nữa. Người như tôi, Samson, Kizito (Hoàng Vũ Samson, Trần Trung Hiếu - PV) không còn nhiều nữa. Vài năm trước, có nhiều cầu thủ nhập tịch chơi ở các đội bóng mạnh.

- Nhiều đội trả thêm tiền để cầu thủ ngoại đồng ý nhập tịch. Còn Đà Nẵng với anh thì sao?

- Với tôi thì không. Khi nhập tịch, tôi vẫn còn 2 năm hợp đồng và không thay đổi điều gì. Tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi thêm gì cho việc nhập tịch. Hợp đồng của tôi chỉ thay đổi là kéo dài thêm một năm. Còn tiền bạc thì vẫn vậy.

- Trở thành công dân Việt Nam, anh có nghĩ tới việc khoác áo đội tuyển quốc gia?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Tôi biết báo chí nhiều lần đề cập đến, rằng Merlo có thể chơi cho Đội tuyển Việt Nam. Tôi ngạc nhiên, biết việc chơi cho tuyển quốc gia rất quan trọng đối với cầu thủ. Nếu đội tuyển gọi và tôi còn trẻ, có thể tôi sẽ chơi. Hiện tại, Việt Nam có nhiều cầu thủ trẻ tài năng còn tôi đã 35 tuổi rồi.

- Không như anh, nhiều cầu thủ nhập tịch khác rất muốn khoác áo tuyển Việt Nam. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ sao không cho họ cơ hội chứ. Nếu một cầu thủ Việt Nam nhập tịch được triệu tập, chẳng phải đó là điều tốt sao? Trên thế giới, nhiều cầu thủ đã đổi quốc tịch để chơi cho đội tuyển khác. Tôi ngạc nhiên vì đội tuyển Việt Nam không làm vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ liên đoàn quyết định vậy cũng có lý do của họ.

Cá nhân tôi nhập tịch không phải để chơi cho đội tuyển quốc gia nên cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên, vẫn còn những cầu thủ giỏi khác như Samson, Lê Văn Phú, Bakel (Nguyễn Van Bakel - PV). Họ đều là những cầu thủ giỏi thì tại sao lại không dùng chứ?

- Ở Nam Định, cuộc sống khác Đà Nẵng thế nào?

- Đà Nẵng nhộn nhịp, hối hả, còn Nam Định nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn nhiều. Tôi vẫn thích Đà Nẵng hơn vì có rất nhiều thứ để làm khi ra ngoài. Tuy nhiên, may mắn là ở đây, tôi cũng cảm thấy thoải mái.

Đội bóng cũng rất ổn. Các cầu thủ ở đây đều còn trẻ. Họ biết lắng nghe và chơi bóng bằng trái tim, đặt tập thể lên trên hết. Nam Định không có ngôi sao, ai cũng như nhau và rất gắn kết. Điều đó thực sự quan trọng với một đội bóng. Cổ động viên thật cuồng nhiệt. Khi đến đây thi đấu hồi năm ngoái, tôi đã rất kinh ngạc. Tôi nghĩ đây là đội bóng có người hâm mộ tuyệt vời nhất ở Việt Nam. Hy vọng khi mùa giải trở lại, các khán đài sẽ lại chật cứng.

- Anh 35 tuổi rồi. Anh có nghĩ đây sẽ là mùa bóng cuối cùng của mình?

- Không hề. Tôi nghĩ từng ngày thôi. Tôi không muốn nghĩ xa hơn.

- Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi.

Minh Chiến
Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/do-merlo-ra-di-vi-huynh-duc-bao-khong-can-toi-nua-post1070813.html