Đỏ mắt tìm giáo viên (Bài 1: Nhiều trường vùng cao trống, 'trắng' giáo viên)

Do địa bàn rộng, khó khăn về mọi mặt và xuất hiện nhiều điểm trường lẻ nên tỉnh Nghệ An đã có chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên để nâng cao dạy học ở các huyện vùng cao.

Do địa bàn rộng, khó khăn về mọi mặt và xuất hiện nhiều điểm trường lẻ nên tỉnh Nghệ An đã có chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên để nâng cao dạy học ở các huyện vùng cao. Tuy nhiên tình trạng trống, "trắng" giáo viên các môn học vẫn thường xảy ra ở nhiều trường học, đặc biệt là tình trạng "trắng" giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học khiến nhiều giáo viên phải "chạy xô" từ trường này sang trường khác.

Cô Và Y Dở là 1 trong 7 giáo viên tiếng Anh tiểu học tại huyện Kỳ Sơn.

Cô Và Y Dở là 1 trong 7 giáo viên tiếng Anh tiểu học tại huyện Kỳ Sơn.

"Trắng" giáo viên tiếng Anh và Tin học

Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (H. Kỳ Sơn, Nghệ An) là một trong 7 trường tiểu học của huyện Kỳ Sơn có giáo viên tiếng Anh. Năm học 2019-2020, trường này được bố trí 1 giáo viên tiếng Anh là cô Và Y Dở. Là giáo viên người bản địa, cô Dở có thuận lợi để dạy cho các em học sinh (HS) 100% là con em đồng bào Mông. Ban giám hiệu nhà trường cũng hy vọng HS được học tiếng Anh chương trình 10 năm bài bản, đầy đủ.

Hiện tại, những trường còn lại trên địa bàn huyện vẫn "trắng" giáo viên môn tiếng Anh nên HS không được học môn học này. Điển hình như Trường Phổ thông cơ sở Tà Cạ năm học 2019-2020 có 242 HS tiểu học được bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, trường không có giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh, Tin học. "Thiếu giáo viên hai môn học này sẽ khiến HS thiệt thòi. Không những thế, trong chương trình phổ thông tổng thể triển khai, HS từ lớp 3 trở lên sẽ học 2 môn tiếng Anh, Tin học mà không có giáo viên dạy thì sẽ không triển khai được", thầy Lê Văn Hoàng - Phó hiệu trưởng nhà trường lo ngại.

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, về tổng thể Kỳ Sơn cơ bản đủ giáo viên. Tuy nhiên, trong số 29 trường tiểu học chỉ có 7 giáo viên tiếng Anh ưu tiên bố trí cho trường chuẩn quốc gia, và 2 giáo viên Tin học. Điều đáng nói là nhiều năm qua, huyện được cho định biên nhưng vẫn không tìm được người để dạy giáo viên các môn này vì "các vùng thuận lợi hơn họ cũng có nhu cầu và tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học", ông Thiết lý giải.

Việc thiếu giáo viên 2 môn này là tình trạng chung của nhiều trường khác. Ông Phan Trọng Trung - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: Đối với các địa phương khác trong tỉnh, nhà trường có thể hợp đồng thỉnh giảng giáo viên Tin học, Ngoại ngữ và chi trả lương từ nguồn thu của phụ huynh HS trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Tuy nhiên, ở miền núi không thể làm được điều này, do chủ trương của tỉnh là không thu tiền 2 buổi/ngày đối với trường đặc biệt khó khăn. Vì thế các trường không có chi phí để hợp đồng giáo viên dù nhu cầu này tại địa phương là rất lớn.

Nhiều giáo viên phải "chạy xô"

Do huyện thiếu giáo viên, đặc biệt là bộ môn năng khiếu nên hiện nhiều giáo viên miền núi đang phải "chạy xô" từ trường này sang trường khác để dạy học.

Năm học 2019-2020, thầy Đinh Văn Minh - giáo viên Mỹ thuật, Trường Tiểu học Môn Sơn 3 (H. Con Cuông) phải kiêm thêm cả trường Tiểu học Chi Khê. Hai xã Môn Sơn và Chi Khê cách xa nhau 30 km, trong trường Tiểu học Môn Sơn 3 có hai điểm lẻ Khe Búng và Co Phạt là nơi sinh sống của bà con tộc người Đan Lai, nằm trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. "Để tạo điều kiện thuận lợi cho GV, 2 nhà trường thống nhất thời khóa biểu cho thầy Minh dạy 2 ngày tại Chi Khê và 3 ngày còn lại ở Môn Sơn. Tuy nhiên, việc đi lại, dạy học của thầy rất khó khăn, vất vả do 2 trường cách nhau quá xa", thầy Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn 3 cho hay.

Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cũng cho hay, hiện nay, giáo viên trên toàn huyện cơ bản bố trí đủ, trong đó bậc tiểu học duy trì tỷ lệ 1,35 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là số điểm trường lẻ nhiều, số HS tại điểm lẻ ít, có những lớp chỉ có 2- 3 HS vẫn phải bố trí GV dạy học. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 80 điểm lẻ/21 trường tiểu học. Chưa kể việc di chuyển của giáo viên khó khăn vất vả, thời khóa biểu của các nhà trường luôn luôn ở trạng thái bị động, không cố định. Có những giáo viên dạy ngoại ngữ mỗi tuần phải dạy 40 tiết ở tất cả các điểm lẻ trong trường và cả liên trường.

(còn nữa)

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_214801_do-mat-tim-giao-vien-bai-1-nhieu-truong-vung-cao.aspx