Đó lờ kể chuyện

Vốn dĩ muốn tự bạch đã lâu song le chuyện đó lờ miền giang hạ được cụ Bảng Lão Bần đã tả nhiều lại kỹ nên đành dựa cột mà nghe. Nay gặp buổi mưa gió dầm dề,nước về lai láng, lũ cá tôm và các loài thủy tộc nô nức gọi nhau rong chơi.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Bản ngã ngứa nghề vốn xuất thân từ ngành hạ bạc nơi phát tích Đông A nghĩa là xưa kia quanh năm đóng khố cởi trần ngày nay suốt tháng quần đùi không áo mà đem tự truyện kiếm ăn ở miền đất trung du bán sơn địa trình các cụ mua vui.

Trước tiên phải nói đến cái tên tôi dưới xuôi gọi là cái Đó.

Còn dân miền ngược gọi tôi là cái Dão.Từ thời các bủ,các bầm cho tới giờ người quê tôi vẫn gọi thế. Còn có thể ở đâu đó tôi có tên khác mà không biết được.Thôi thì bạn hãy kiên nhẫn nghe tôi tả thì sẽ nhận ra:

Dão là một dụng cụ bắt cá cùng họ với lũ đó, lờ, đụt, nắn....được đan bằng tre dùng để đơm, bẫy cá.

Trước tiên, thấy cổ nhân có câu: "Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt"; cho nên cái miệng của tôi loe to hơn thân và thuôn dần về đáy. Phòng khi có anh trắm,chị chép nào to mấy cũng chui vào nửa thân trước đã. Đến khi anh chị nhận ra mình chui đầu vào rọ thì đã:thôi rồi Lượm ơi. Đợi đến khi chủ nhân của tôi tới cho vào nồi;đôi khi cá to chật quá không thể lấy qua đáy mà phải tháo hom lấy ra đằng miệng dão.

Nói về kích thước thì tùy địa thế đơm cá: nếu đơm cá xuôi, ngược ở cống, ở mương,ngòi thì dùng dão miệng to cỡ cái mâm đồng thậm chí bằng cái nia sảy gạo. Còn dão đơm cá rô rạch ngược ở trổ nước mùa mưa rào chỉ to cỡ phích đựng nước nóng pha chè.

Nhìn tổng thể cái dão có hình nón cụt. Miệng loe, đáy thắt. Thân dão đan bằng nan tre theo kiểu đan nong mốt thưa mà không lọt. Chỉ phần giáp miệng và đáy mới đan vẩn 3 nan vót tròn giữ khít.

Hom dão đan rời hình chóp nón. Phần chóp để tua dài và nhọn hòng giữ cá đã chui qua thì chỉ ngồi mà khóc.

Tuy thế,dão tôi cũng nhân từ mà để lọt lũ cá con,bọn tép tôm để bảo tồn lũ thủy sinh.

Người anh em cũng giống tôi đấy là em lờ. Lờ có thân hình trụ tròn cân cả hai đầu và miệng ở hai đầu đều có hom để đón cá chui vào. Nan để đan lờ vót bằng tre cật chỉ nhỉnh hơn cái tăm,tròn mà nhẵn. Để khi đặt lờ xuống nước dưới đám cỏ hay đám bèo thì gần như trở thành vô hình nên còn có tên gọi là lờ bóng. Lũ thủy tộc không nhìn thấy được đây là cái bẫy. Nhất là lũ cá chép mùa động dục hay bọn cá cái bụng e trứng vờn nhau quẫy lộn khi đẻ. Lúc tỉnh ra thì đã rúc vào lờ lúc nào không biết vội quáng quàng tìm lối ra thì đã muộn.Trong khi con khác ở ngoài lại ngỡ là trong đó có mồi ngon, nệm ấm lại bơi quanh tìm chỗ chui vào.

Chả thế mà dân ca Nghệ Tĩnh có câu: "Con trong lờ rưng rưng nước mắt. Con ở ngoài ngút ngoắt muốn vô". Ngoài tả cảnh trên còn nghĩa bóng nói lên nỗi lòng người ở vào hoàn cảnh bức bí,cá chậu chim lồng mà người khác không hiểu lại ước được vào hoàn cảnh ấy.

Lại nói về bộ sưu tập đó lờ của cụ Bảng không thấy bóng hình cái cụp nay cũng tự phô.Cụp tôi cũng là một thứ bẫy cá bằng tre gồm một cái rổ sề úp lên một tấm đan có cạp riêng biệt. Uốn lên trên hai đường kính vuông góc nhau là hai càng bằng tre để gác cần lẫy khi giương lên,sập xuống. Để tăng sức nặng tôi còn phải đội thêm 4, 5 viên đá to treo trên nóc rổ.Bên trong rổ đặt mồi và chăng các dây nối với lẫy. Khi bọn cá vào sục mồi chúng động vào các dây làm lẫy bật ra và nắp trên theo sức nặng của đá mà úp xuống giữ lũ cá ở trong.

Đôi lời nôm na tự thuật, mọi điều không hết. Trình các cụ mua vui!

Chuyện Quê

Nhân Trần

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/do-lo-ke-chuyen-a15807.html