Đồ gỗ Việt cải thiện xuất khẩu bằng mua bán trực tuyến

Để cải thiện xuất khẩu giữa tác động kéo dài của dịch Covid-19 cũng như tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp đồ gỗ Việt cần đẩy mạnh sử dụng sàn thương mại điện tử, mua bán trực tuyến để tiếp cận đa dạng khách hàng.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), cho biết các doanh nghiệp (DN) trong ngành đồ gỗ Việt đang ở trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đưa showroom đồ gỗ lên sàn online

7 tháng nay, ngành gỗ Việt không nằm ngoài xu hướng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 khi các đối tác thương mại gỗ lớn của Việt Nam gồm Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang thực hiện những biện pháp quyết liệt để khống chếdịch bệnhlây lan. Điều này khiến cho đầu ra của các DN xuất khẩu (XK) đồ gỗ khá khó khăn.

DN đồ gỗ nội thất cần dùng thương mại trực tuyến để cải thiện xuất khẩu

DN đồ gỗ nội thất cần dùng thương mại trực tuyến để cải thiện xuất khẩu

Để giải một phần bài toán đầu ra, sắp tới, Hawa sẽ khai trương một sàn thương mại điện tử (TMĐT) và dự kiến đưa 80 showroom (phòng trưng bày) đồ gỗ nội thất XK lên sàn ngay trong tháng 8 này, đến cuối năm nay có thể sẽ đưa thêm 100 showroom lên sàn.

SànTMĐTcó tên gọi là HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition), là nền tảng triển lãm trực tuyến nhằm giúp các DN XK đồ gỗ mở rộng cơ hội tiếp cận nhà mua hàng quốc tế thông qua những công nghệ tiên tiến, ứng dụng Digital Marketing (tiếp thị số), TMĐT…

Theo đánh giá, đây là ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đón đầu xu hướng phát triển các phương thức tiếp thị số cho ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam. Đồng thời, HOPEcũng là giải pháp hỗ trợ cho các DN XK tiếp cận khách hàng trước việc hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, trên nền tảng này, các hội chợ đồ nội thất hàng năm sẽ được số hóa song song để nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng từ trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline). Không những thế, các DN XK đồ gỗ có thể tích hợp các ứng dụng tương tác, tiếp cận hàng chục nghìn nhà mua hàng trong nước và quốc tế.

Ông Phương bày tỏ hy vọng từ việc ứng dụng nền tảng như vậy sẽ giúp các DN XK đồ gỗ tiếp cận gần hơn nữa, mở ra nhiều cơ hội kết nối với thị trường quốc tế có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, đơn cử như thị trường EU thông quaEVFTA bắt đầu được thực thi từ tháng 8/2020.

Có thể thấy, việc tận dụng triệt để công nghệ trực tuyến để gỡ khó cho các DN XK đồ gỗ là rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, như nhận định mới đây từ Bộ Công Thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không XK được.

Tận dụng EVFTA thông qua công nghệ trực tuyến

Trong 7 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3,4% (cùng kỳ năm ngoái tăng 12,9%).

Bộ Công Thương cho biết trong 5 tháng cuối năm, các DN ngành gỗ kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các DN cũng hy vọng vào EVFTA khi được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên EU.

Cơ hội gia tăng XK đồ gỗ của Việt Nam sang EU là rất lớn khi đây là một trong những mặt hàng lợi thế của Việt Nam với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn.

Ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ thêm, EU là thị trường nhập khẩu đồ gỗ đứng thứ 2 trên thế giới và XK đồ gỗ củaViệt Nam mơíchỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu. Do đó, có vẻ như EVFTA sẽ mang đến bước ngoặt cho ngành gỗ Việt.

Theo ông Phương, so với tốc độ tăng trưởng chung của XK đồ gỗ Việt ra thị trường thế giới trong những năm gần đây, việc XK vào thị trường EU vẫn giữ mức ổn định và có thể sẽ đạt 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA.

Nhiều năm nay, thương mại gỗ giữa Việt Nam - EU chiếm khoảng 12 - 15% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, trung bình mỗi năm khoảng 650 - 700 triệu USD.

XK gỗ sang EU chủ yếu vào 5 nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italia. Và với việc thực thi EVFTA từ tháng 8/2020, thị trường sẽ được nâng lên khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU mỗi năm khoảng 80 - 85 tỷ USD.

Giới chuyên gia lưu ý, mua bán trực tuyến là xu thế bắt đầu lan vào ngành gỗ nội thất, làm thay đổi rất lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất. Muốn tăng thị phần vào EU, các DN XK đồ gỗ cần cải thiện thiết kế, song song đó là chính sách xây dựng thương hiệu và dùng TMĐT để tiếp cận đa dạng khách hàng EU - khu vực có nền tảng thương mại trực tuyến phát triển nhất thế giới.

Đặc biệt là các DN XK đồ gỗ cần áp dụng công nghệ trực tuyến vào bán hàng, phân phối sản phẩm, xem đây là yếu tố quan trọng để cải thiện XK. Khách hàng có thể mua hàng trực tiếp, xem hàng, thiết kế trực tiếp trên online theo mọi góc cạnh.

Theo Thế Vinh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/do-go-viet-cai-thien-xuat-khau-bang-mua-ban-truc-tuyen/20200807032924155