Do dự, chần chừ, lưỡng lự

Ở thế kỷ trước, một nhà văn hóa Việt Nam có để lại câu danh ngôn rất nổi tiếng, được truyền tụng mãi đến đời sau. Đó là Nguyễn Bá Học (1857–1921) và câu danh ngôn để đời là: 'Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông'.

Chữ ngại ở đây rất tai hại. Nó là tổng hợp của do dự, chần chừ và lưỡng lự, cuối cùng đâm ra ngại. Ngại quá, ngại liên tục nên đụng đến công việc là ngại. Thế là phí cả một đời. Thế là xong một kiếp. Rõ vô duyên, rõ vô tích sự.

Theo Từ điển tiếng Việt thì:

Ở trang 233: “Do dự là chưa quyết định được vì còn nghi ngờ. Thí dụ: Sợ thất bại nên cứ do dự. Thái độ do dự”.

Ở trang 130: “Chần chừ là đắn đo, do dự, ngần ngừ chưa có quyết tâm để làm ngay việc gì. Thí dụ: Thái độ chần chừ”.

Ở trang 539: “Lưỡng lự là suy tính, cân nhắc giữa nên hay không nên, chưa quyết định được dứt khoát. Thí dụ: Đang lưỡng lự không biết nên đi hay nên ở. Một mình lưỡng lự canh chày – Nguyễn Du”.

Theo Đại Từ điển tiếng Anh Oxford thì Do dự (Indecision) là anh em sinh đôi với Thờ ơ, Lãnh đạm (Indifference), để chỉ rõ một loại người sống vô cảm, luôn thờ ơ, lãnh đạm với cuộc đời. Những người này thường xuất thân ở gia đình giầu có, ăn trên ngồi chốc, có địa vị xã hội, coi thường những người nông dân, công nhân nghèo khổ, những người lao động vất vả phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên họ cũng phải lớn lên, để tránh tiếng ăn bám gia đình, ăn bám xã hội, những người này cũng cố gắng có được cái bằng cấp, có được một công việc, nhưng thật là bất hạnh cho công ty nào, cơ quan nào nhận phải loại nhân viên này. Họ thực sự là bước cản lớn của xã hội, của tập thể, của gia đình. Giao việc gì họ cũng tìm cách từ chối vì ngại gian khổ, ngại vất vả. Họ tìm đủ mọi lý do để thoái thác, để từ chối, để được làm việc nhẹ hơn.

Có một bài hát rất hay, có lời nhắc nhở như sau: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết giành phần ai”... Thật đáng lên án những ai có tư tưởng đùn đẩy, để phần khó, việc khó cho người khác.

Tác giả André de Fels đã lên án mạnh mẽ: “Tư tưởng thoái thác, hành vi do dự thời nào cũng đáng chê trách, ngày nay càng đắc tội” (La timidité dans la penseé, l'irrésolution dans l'action, en tout temps condamnables, sont criminelles aujourd'hui).

Liên hệ trong thực tế cuộc sống, ta mới thấy rõ sự lên án của André de Fels là hết sức đúng đắn.

Bên cạnh những công việc nhàn nhã, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu của một số quan chức có thế lực và lũ con ông cháu cha, biết bao người lao động trong nông nghiệp, lao động trong hầm lò, ở các công trình thủy điện, khai thác dầu khí... ngày đêm vất vả để cung cấp lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu... cho đất nước. Bao chiến sĩ biên phòng, các chiến sĩ an ninh trong ngành Công an luôn luôn khó khăn vất vả, nguy hiểm từng giây phút để giữ bình yên cho Tổ quốc. Đó là những tấm gương dũng cảm, kiên trung của những con người lao động chân chính, những tấm gương xả thân vì người khác.

Từ hàng bốn trăm năm trước, đại văn hào Miguel Cervantês (1547–1616) đã chế giễu bọn người vô cảm, hay do dự, hay lưỡng lự bằng một nhận xét rất tài tình: “Kẻ do dự để món súp của mình đến băng giá khi đưa từ đĩa lên mồm” (L'indécis laisse geler sa soupe de l'assiette ā la bouche). Chao ôi, đến miếng ăn đã đến mồm như thế mà bọn ăn hại cũng không xử lý nổi thì thử hỏi có thể giao cho chúng việc gì nữa!

Chả thế mà cổ ngữ Anh đã có một câu lên án đanh thép bọn do dự, chần chừ: “Kẻ nào do dự chính là kẻ ăn cắp thì giờ” (Procrastination is the thief of time).

Còn nhà hùng biện La Mã Quintilien thì phân tích kỹ hơn cái hậu quả tai hại, cái nhân quả nhãn tiền của thái độ do dự trong cuộc sống, khi ông viết: “Kẻ nào lúc bắt đầu đã do dự, phân vân không dám quyết đoán thì sẽ rất muộn màng khi hành động” (Celui qui est indécis pour commencer, est tardif pour agir). Mà trong thời buổi kinh tế khó khăn, người khôn của khó này, nhanh nhẹn còn chẳng ăn ai huống chi chậm chạp, do dự, lúng túng thì thua là cái chắc!

Do dự, chần chừ, lưỡng lự trong cuộc sống đời thường:

Những câu chuyện thất bại bởi nguyên nhân do dự, chần chừ, lưỡng lự trong cuộc sống đời thường thì có rất nhiều, chỉ xin khu trú sự thất bại ấy trong 3 lĩnh vực rất “đời thường” là: câu cá, chọn nghề và chọn vợ chọn chồng.

Thất bại trong câu cá: Lúc đầu, câu cá là một trò giải trí bình dân, sau được nâng lên thành một thú vui thanh tịnh tao nhã vì khi câu cá người ta có nhiều thì giờ để suy tư nghĩ ngợi, có nhiều cảm hứng để ngắm trời ngắm đất. Từ đứa trẻ chăn trâu đến ông già nông dân đều có thể bẻ cành tre, uốn lưỡi câu, đào giun, trộn thính làm mồi để câu cá.

Xã hội tiến lên, câu cá trở thành một môn thể thao “thời thượng” với những bộ cần câu hiện đại, phao hiện đại, mồi câu hiện đại, có khi cả bộ đồ câu cá lên đến hàng ngàn đô-la Mỹ. Riêng chỉ nói về cái cần câu, nó được làm bằng sợi carbone có độ dẻo, độ bền, độ dai rất cao, có thể lôi được những con cá hàng trăm cân mà không hề gãy, không hề hỏng.

Nhưng cho dù cái cần câu là một cành tre hay bằng sợi carbone tổng hợp đắt tiền thì cái yêu cầu chính (hay đầu ra, hay out-come) là phải câu được con cá mang lên bờ, cho vào giỏ mang về. Việc ấy lại phải phụ thuộc vào cái đầu óc, cái trí tuệ của con người.

Hãy nghe ông Hòa là chủ một hồ chuyên cho người đến câu để thu lệ phí tâm sự như sau:

- Hồ thả cá của tôi trước bé tí xíu nay to lớn khang trang thế này, đường đi lối lại đổ bê tông sạch đẹp, trồng hoa hai bên đường cho vui mắt, có hàng giải khát, ăn uống phục vụ khách đến câu. Tất cả là nhờ vào các “thượng đế” hay do dự, hay chần chừ, hay lưỡng lự vẫn đi xe hơi, xe máy hạng sang, mặc những bộ đồ thể thao hàng hiệu đắt tiền, vai đeo những bộ cần câu mác Anh, Pháp, Mỹ hàng trăm đô-la. Nhờ có họ, lũ cá của tôi thoát chết, béo tròn béo trục, đợi tôi tát hồ để bán ngày Tết âm lịch.

- Thế ông sợ nhất những loại khách nào đến câu?

- Sợ nhất là cái đám “bụi bậm”, đầu tóc rậm rì, râu không cạo, ngất nghểu đi bộ tới hay sang hơn thì có cái xe đạp rách vứt ngay trên bãi không cần trông. Họ thường cầm theo một cái cần câu loại xoàng, túi mồi, thính được chuẩn bị rất công phu và lúc nào họ cũng khoác trên vai cái bao tải hoặc cái túi vải to để gom cá câu được đem về. Có người chỉ nửa tiếng đã câu được hàng chục cân cá, tôi cứ xót hết cả ruột. Nhưng cũng phải thán phục những bộ óc lạnh lùng, nhanh, nhạy, chính xác của cái đám “thượng đế bình dân” ấy.

Một nhà văn biết chuyện này đã khuyên ông Hòa chủ hồ cá rằng: “Rất may cho ông đấy, cái số người do dự, chần chừ, lưỡng lự ngày càng đông nên hồ thả cá của ông sẽ càng ngày càng thịnh vượng, chớ có lo xa quá làm gì”.

Thất bại trong chọn nghề:

Biết con trai học lực kém, ông Ba làm nghề mộc giỏi, thu nhập khá đã an ủi con: “Thôi chả học Đại học cũng chẳng chết ai, nhà mình khá giả được cũng nhờ vào cái nghề mộc này. Con xem thế nào, liệu mà thu xếp, con muốn gì bố cũng chiều”.

Anh con trai là người từ bé đã có tính do dự, làm gì cũng suy đi, tính lại, nên sau một thời gian suy nghĩ anh xin bố cho thi Đại học. Thi lần 1, anh được 8 điểm cả 3 môn. Anh lại xin bố cho thi lần 2, lần này lên được 9 điểm. Trượt Đại học, có người rủ anh đi đóng phim vì anh to con, điển trai. Anh suy nghĩ mấy ngày rồi quyết định xin bố mấy chục triệu đi học lớp diễn viên. Đến khi đi diễn thử anh bị nhận xét là không có năng khiếu. Thế là 3 năm do dự, lưỡng lự trôi qua, anh không tự chọn được một nghề nào thích hợp với khả năng của mình. Giờ đây nhìn thấy đám bạn bè đồng trang lứa người đi học nghề, người có việc làm ổn định, anh tự hỏi: “Tại sao đến bây giờ mình vẫn chưa quyết định được sẽ làm nghề gì nhỉ, có phải vì mình cứ hay lưỡng lự, do dự không?”.

Thất bại trong chọn vợ chọn chồng:

Xuân là một cô gái nông thôn xinh đẹp, láu lỉnh, chỉ phải mỗi tội học rất kém. Trầy trật mãi cô mới tốt nghiệp phổ thông trung học năm 20 tuổi. Xuân tự nghĩ: “Ta đẹp ta có quyền”. Hôm xem truyền hình trực tiếp trên TV, Xuân thấy một cô thí sinh thi hoa hậu đã trả lời Ban Giám khảo là “Sắc đẹp quý hơn trí tuệ vì sắc đẹp là trời cho, không ai làm ra sắc đẹp được cả. Còn trí tuệ thì có thể cứ học mãi sẽ có”. Lúc đó mọi người đều vỗ tay - đúng quá rồi còn gì nữa!

Xuân được nhận vào làm văn thư ở Ủy ban huyện. Có một anh kỹ sư nông nghiệp của huyện thật thà chất phác lại giỏi tay nghề muốn được làm quen với cô. Xuân bĩu môi nhìn bộ cánh “bình dân’ của anh cùng với cái xe máy Trung Quốc rẻ tiền, cô trả lời một cách bóng bẩy: “Thưa anh kỹ sư nông nghiệp, anh rất tốt nhưng em rất tiếc”.

Và cứ thế, ngày tháng cứ trôi, cứ trôi. Xuân đã trải qua nhiều mối tình. Có lúc gặp phải sở khanh, dù đã từng phải phá thai nhưng cô vẫn còn cái sắc đẹp trời cho, vì vậy cô vẫn cứ do dự, chần chừ chưa quyết định được việc chọn cho mình một người chồng. Cô vẫn lặp lại cái điệp khúc “anh rất tốt nhưng em rất tiếc” khi có người “đặt vấn đề” với cô. Đến nay đã ngoài 30 tuổi cô vẫn độc thân. Nhiều nếp nhăn đã xuất hiện trên mặt, hốc mắt đã thâm quầng, có lúc soi gương cô tự hỏi mình mà lòng buồn rười rượi: “Sao mình đẹp mà mình không có quyền nhỉ?”.

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/do-du-chan-chu-luong-lu-tintuc436134