Đo đếm sức mạnh chiến hạm Aegis Hàn, Trung, Nhật

Xét về hỏa lực thì tàu chiến Aegis Hàn Quốc mạnh nhất, nhưng xét riêng yếu tố phòng thủ tên lửa, tấn công đối hải – đối đất thì Nhật, Trung lại chiếm ưu thế.

Tờ nhật báo Chosun của Triều Tiên cho hay, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Choi Yoon-hee gần đây đã chủ trì hội nghị tham mưu liên quân với sự tham gia của Tham mưu trưởng của Hải, lục, không quân và quan chức cấp cao trong quân đội Hàn Quốc. Hội nghị quyết định bắt đầu từ năm 2022-2028 sẽ trang bị thêm 3 tàu khu trục Aegis, nâng tổng số tàu Aegis lên 6 tàu. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch sẽ tăng số lượng 6 tàu Aegis lên thành 8 tàu.

Trong Hải quân Trung Quốc, so với tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh đưa vào phục vụ năm 2013 thu hút sự chú ý còn có tàu khu trục tên lửa Type 052D thế hệ mới, đây được xem Aegis phiên bản Trung Quốc kiểu mới.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lý do tại sao 2 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chạy đua phát triển tàu Aegis, chủ yếu là để đối phó các tranh chấp quyền lợi biển có thể xảy ra tại các khu vực như đảo Tokto/Take-shima, đảo Parangdo/ Tô Nham Tiêu, đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Gần đây, quân đội Trung Quốc còn đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không Đông Hải, trên thực tế cũng là biện pháp áp dụng để đối phó với tranh châp chủ quyền đảo.

Trong bối cảnh này, cần phải làm một phép so sánh tàu khu trục chủ lực của 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tàu Aegis là cách gọi chung của tàu khu trục được trang bị hệ thống radar Aegis hiện đại. Hệ thống Aegis có thể đồng thời tìm lượng lớn mục tiêu và dẫn đường cho nhiều quả tên lửa phòng không đánh chặn mục tiêu.

Riêng với tàu chiến Trung Quốc, Type 052D có kết cấu hệ thống radar lắp quanh tháp chỉ huy có nét giống với tàu chiến Aegis, vì thế nó mới được gọi là “Aegis Made in China”, không phải là được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ.

Nhìn chung khi đánh giá sức mạnh các tàu Aegis Trung, Hàn, Nhật thì rất khó để phân loại. Nếu chỉ so sánh ưu điểm tàu Aegis của 3 nước, về mặt hỏa lực, thực lực tàu Aegis của Hàn Quốc mạnh nhất. Tuy nhiên về mặt khả năng đánh chặn tên lửa của tàu Aegis Nhật Bản và khả năng tấn công hành trình tầm xa của tàu Aegis Trung Quốc lại vượt trội hơn Hàn Quốc.

Hàn Quốc: chiến hạm Aegis mang nhiều tên lửa nhất

Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc có 3 tàu Aegis lớp Sejong Đại đế. Với việc sở hữu lớp tàu này, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ 5 có tàu Aegis tiếp sau Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Na Uy. Có thể nói, ngoài Mỹ ra, hỏa lực của tàu Aegis lớp Sejong của Hàn Quốc là mạnh nhất.

Chiến hạm lớp Sejong Đại đế của Hải quân Hàn Quốc.

Lớp Sejong của Hàn Quốc mạnh hơn nhiều so với tàu Aegis của Tây Ban Nha và Na Uy, thậm chí còn mạnh hơn 10% so với tàu khu truc lớp Arleigh Burke chủ lực của Mỹ, tương đương với tàu khu trục Aegis lớp Atago mới nhất của Nhật Bản.

Sejong có lượng giãn nước tiêu chuẩn 7.600 tấn, lượng giãn nước đầy tải hơn 10.000 tấn, dài 165,9m, rộng 21,4m, tàu biên chế khoảng 300 thủy thủ.

Lớp tàu này được trang bị hệ thống radar mạng pha chủ động AN/SPY-1D(V)5 được coi là “trái tim” hệ thống Aegis.

Đặc điểm nổi bật nhất của tàu Aegis lớp Sejong là dựa vào radar Aegis SPY-1D(V5) dùng để trinh sát phát hiện mục tiêu đường không. Các mạng anten radar được đặt cố định 4 mặt trên thân tàu cung cấp khả năng bao quát không phận 360 độ, tầm trinh sát đến 1.000km, có thể “tóm sống” được cả tên lửa đạn đạo.

Sở dĩ coi tàu Sejong Đại đế có dàn hỏa lực nhiều nhất trong số chiến hạm Aegis là vì nó được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có 128 ống, nhiều sơn 32 ống phóng so với hệ thống phóng tên lửa của tàu Arleigh Burke và Atago.

128 ống phóng thẳng đứng đặt ở mặt trước và đuôi tàu Sejong.

Trong đó có 80 ống phóng kiểu Mk41 của Mỹ chứa tên lửa đối không tầm xa SM-2 Block IV đạt tầm bắn 170km. Đáng tiếc là King Sejong lại không được trang bị tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 như tàu Atago, mặc dù nó hoàn toàn có thể dễ dàng tích hợp.

Còn lại là 48 ống phóng K-VLS do Hàn Quốc sản xuất có thể mang 32 tên lửa hành trình đối đất tầm xa Hyunmoo III đạt tầm bắn 500-1.000km và 16 tên lửa chống ngầm K-ASROC có thể đánh chìm tàu địch cách xa 19km.

Đó là còn chưa kể hỏa lực gắn ngoài của King Sejong với pháo hải quân hạng nặng 127mm, pháo phòng không cao tốc, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp RAM, tổ hợp tên lửa chống tàu mặt nước tầm ngắn SSM-700K Hae Sung (tầm bắn 150km) và ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm.

Type 052D: chiến hạm chống tàu đáng sợ

Năm 2013, Trung Quốc tổng cộng đã hạ thủy liên tù tì 3 tàu khu trục Type 052D được cải tiến dựa trên mẫu Type 052C Lan Châu. Con tàu có lượng giãn nước toàn tải khoảng 7.000 tấn, dài 156m, thủy thủ đoàn 280 người.

Sở hữu kích thước nhỏ hơn nên không lạ khi khả năng mang vũ khí của Type 052D không thể ngang với tàu chiến Hàn, Nhật, nhưng sức mạnh thì không hề thua kém ít nhất là với chiến hạm King Sejong.

Tàu khu trục Type 052D.

Type 052D chỉ trang bị hệ thống phóng thẳng đứng 64 ống được tuyên bố là chứa tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 đạt tầm phóng 200km; tên lửa hành trình đối đất DH-10 đạt tầm phóng 1.500-2.500km (độ chính xác CEP 10m, tương đương với Tomahawk); tên lửa chống tàu ngầm CY-2.

Hỏa lực gắn ngoài của Type 052D gồm pháo hải quân hạng nặng 130mm, pháo phòng không Type 730, tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N, ngư lôi chống tàu ngầm.

Đặc biệt, Type 052D sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống tàu kiểu mới được định danh là YJ-18A. Theo một số nguồn tin thì YJ-18A đạt tầm phóng tới 500km, tốc độ hành trình Mach 4-5. Nếu đây là sự thật thì Type 052D sẽ có hỏa lực chống tàu mặt nước mạnh nhất khu vực Đông Bắc Á.

Khả năng tác chiến chống tàu mặt nước của Type 052D đáng sợ hơn cả so với các tàu Nhật, Hàn.

Mặc dù Type 052D luôn được gọi là “chiến hạm Aegis made in China”, tuy nhiên đó chỉ là sự ví von nhờ cách bố trí hệ thống mạng anten quanh tháp chỉ huy tàu giống với cách bố trí trên tàu chiến Aegis thực thụ Mỹ, Nhật, Hàn. Còn bản thân nó chỉ trang bị một loại radar được định danh là Type 346A không có nhiều thông tin, khả năng tác chiến có thể thấp hơn nhiều so với AN/SPY-1.

Dù vậy, các nguồn tin Trung Quốc từng tuyên bố rằng Type 052D có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo với tên lửa HHQ-9. Điều này đồng nghĩa với việc radar Type 346 phải có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc tiết lộ, tàu khu trục Type 052D sẽ được biên chế vào nhóm tàu chiến đấu sân bay, trở thành “thần hộ mệnh” của tàu sân bay. Chuyên gia cho rằng, tàu khu trục lớp 052D trở thành xương sống của hệ thống phòng thủ biên đội tàu sân bay, có thể hình thành mạng lướng phòng thủ với bán kính 200 km cho nhóm tàu chiến sân bay.

Kongo, Atago: chiến hạm phòng thủ tên lửa mạnh mẽ nhất

Nếu như khả năng phòng thủ tên lửa của Type 052D còn đầy những câu hỏi khó có lời giải thích thì sức mạnh phòng thủ tên lửa của lớp Kongo, Atago – chiến hạm Aegis Nhật Bản không có gì phải nghi ngờ.

Kongo là lớp tàu khu trục cỡ lớn được phát triển dựa trên lớp Arleigh Burke dành cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Trong giai đoạn từ 1990-1998, Nhật Bản đã đóng tổng cộng 4 chiếc Kongo có lượng giãn nước toàn tải 9.500 tấn, dài 161m. Tiếp đó, tới giai đoạn 2004-2008, Nhật Bản lại đóng thêm 2 chiếc cải tiến lớp Atago có lượng giãn nước tăng hơn 10.000 tấn.

Nhật Bản đang có kế hoạch sẽ đóng mới thêm 2 tàu khu trục lớp Atago, để tăng cường khả năng đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và Hàn Quốc.

Chiến hạm Nhật Bản phóng tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3.

Tương tự như lớp tàu Sejong của Hàn Quốc, Atago và Kongo được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis với “trái tim” radar mạng pha chủ động AN/SPY-1 có tính năng tương đương tàu chiến Aegis Hàn Quốc.

Về hỏa lực, Atago và Kongo đều được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 với 96 ống phóng, ít hơn tàu Hàn Quốc. Tuy nhiên, các tàu này lại được trang bị tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài tầng khí quyển, tầm bắn xa tới 500km.

Hỏa lực gắn ngoài của Atago và Kongo tương đương các tàu Hàn Quốc với pháo 127mm, pháo phòng không cao tốc, tên lửa chống tàu tầm ngắn và ngư lôi chống ngầm.

Nhìn chung, trong khả năng phòng thủ tên lửa thì chiến hạm Aegis không có đối thủ ở khu vực Đông Bắc Á và ở cả châu Á. Không một tàu chiến nào của Trung Quốc có khả năng phòng thủ tên lửa tương đương.

Bằng Hữu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/do-dem-suc-manh-chien-ham-aegis-han-trung-nhat-299889.html