Đồ cũ lên ngôi

Với giới trẻ ngày nay, chuyện lựa chọn trang phục không chỉ xét trên sở thích và túi tiền, mà còn phải vì tương lai của Trái đất. Mua sắm thì ai cũng thích, nhưng đã đến lúc kết thúc thời trang nhanh.

Tái chế, tận dụng đồ cũ là chuyện nên và phải làm vì môi trường.

Tái chế, tận dụng đồ cũ là chuyện nên và phải làm vì môi trường.

“Đồ cũ là thời thượng”

Trong phân chia nhân khẩu toàn cầu hiện tại, giới trẻ rơi vào thế hệ Y (1981 - 1996) và thế hệ Z (1997 - 2012), tức là những người dưới 40 tuổi. Họ đóng vai trò lực lượng tiêu dùng đông đảo và có sức mua sắm mạnh nhất, đặc biệt là trong thị trường thời trang.

Năm 2003, siêu mẫu Kate Moss (1974) tự tin bước trên sàn diễn của tuần lễ thời trang tại New York (Mỹ). Cô mặc chiếc váy màu vàng nhạt, trễ vai được giới thiệu từ thập niên 1950 của nhà thiết kế Jean Dessès (1904 - 1970).

Trong thời đại mọi người đều say mê chạy theo mẫu thời trang mới nhất, bộ trang phục không ngờ của Moss gây ấn tượng mạnh. Suốt nhiều năm sau đó, siêu mẫu này vẫn không quên cảm giác tuyệt vời khi đó. Cô lùng sục khắp nơi, tìm các bộ trang phục cũ vẫn đậm chất hiện đại, nhưng chẳng mấy khi kiếm được chỗ bán.

Bây giờ, các tín đồ thời trang thiết kế cổ điển như Moss không gặp phải rắc rối như cô. Tái chế, tận dụng và phối lại trang phục cũ đang là mốt trong giới trẻ. Các mặt hàng quần áo cũ có mặt ở mọi nơi.

Nhiều ông bà chủ cửa tiệm secondhand không sợ cạnh tranh với những thương hiệu lớn. “Rất nhiều khách hàng trẻ đã đến với chúng tôi. Tôi chẳng lo các tập đoàn thời trang hay mẫu mã mới hết cạnh tranh”, Herbie Mensah – chủ cửa hàng đồ cũ ở Portobello (Anh) cho biết.

Theo báo cáo từ ứng dụng mua sắm thời trang đồ cũ Depop (Anh) có 13 triệu người cài đặt (90% là từ 26 tuổi trở xuống), doanh thu liên tục tăng 100% trong những năm vừa qua. Trung bình mỗi tháng, người dùng Depop theo dõi và nhắn tin với nhau 85 triệu lần.

Họ giới thiệu và bán trang phục cũ, bình luận và khuyến khích lẫn nhau, tạo nên một trào lưu vô cùng thú vị. Đó là “cũ mới chuẩn thời thượng”.

Hiện tại, tổng doanh thu của thị trường đồ cũ ThredUp (Mỹ) đang ở mức 24 tỷ USD/năm. Ước tính đến năm 2023, con số này sẽ tăng hơn gấp đôi, rơi vào khoảng 51 tỷ USD, chiếm 10% thị trường bán lẻ.

Thay đổi nhận thức

Đồ cũ mới là thời thượng!

Trung bình mỗi năm, toàn cầu xả ra khoảng 92 tấn chất thải dệt may. Cứ mỗi một giây, thế giới lại có 1 xe tải quần áo cũ đổ vào bãi rác. Ước tính đến năm 2030, lượng rác thải dệt may còn lên tới 134 triệu tấn/năm.

Moss không phải người tiên phong xu hướng yêu đồ cũ. Từ những năm 1970, hãng thời trang cao cấp Yves Saint Laurent (Pháp) đã tổ chức một số buổi trình diễn trang phục dạ hội của thập niên 1940.

Các ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng như Bryan Ferry (1945), Roxy Music (1970)... cũng không ít lần dạo khắp “chợ trời”, tìm mua và đem quần áo cũ sửa sang thành trang phục biểu diễn.

“Bây giờ, giới trẻ cũng vẫn thích thời trang và đồ mới thôi”, Ivan Dauriz - chủ một cửa hàng trực tuyến lên tiếng: “Có điều, so với tuổi trẻ của các thế hệ trước, họ nhận thức rõ hơn về tác động của thời trang nhanh lên môi trường. Giữa kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu này, chúng ta buộc lòng phải thay đổi để bảo vệ tương lai của Trái đất”.

“Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ quan tâm tới đồ cũ. Bởi vì chúng vẫn sử dụng được, đẹp và khơi nguồn sáng tạo”, Boy Kloves - nhà thiết kế trẻ người Anh tự hào - “Yêu đồ cũ giống như một cách phản đối thời trang nhanh. Tái chế và tái sử dụng thì như hình thức sản xuất mới”.

Mỗi một tác phẩm thời trang đều mang trong nó một câu chuyện thú vị. Cặp đôi TikTok (ứng dụng truyền thông xã hội) Tommy Groenendijk và Jordan Deery (Mỹ), 22 tuổi đã tận dụng rất tốt các câu chuyện đó.

Họ lồng ghép nó vào các bài giới thiệu trang phục cũ, thu hút 1,7 triệu người theo dõi.

“Mua sắm thì ai mà chả thích”, Caitlin Price - bà chủ trẻ của trang bán hàng trực tuyến 3am Eternal giải thích: “Tuy nhiên, nếu nhìn vào lượng chất thải khủng bố do thời trang nhanh tạo ra, chúng ta chỉ còn cách chấm dứt thôi”.

Đa cách sáng tạo

Cứ mỗi 1 giây, Trái đất lại phải nhận thêm 1 xe tải chất thải dệt may.

Lịch sử trang phục đi liền với lịch sử văn minh của con người. Sau nhiều nghìn năm, thế giới có muôn vạn mẫu thiết kế.

“Có quá nhiều quần áo cũ với vô số các kiểu mẫu, thương hiệu”, Caitlin tiếp tục nói; “Ngay cả với túi tiền ít ỏi, bạn vẫn được thỏa sức mua sắm. Tuy quần áo cũ bị xem như thời trang chết, nhưng bạn có thể hồi sinh nó, rồi tạo ra phong cách riêng”.

Rất nhiều nhà thiết kế trẻ chuyên nghiệp và nghiệp dư đang đua nhau sáng tạo với chất liệu là vải vóc, quần áo cũ. Đôi khi, chỉ một sự thay đổi nhỏ trên trang phục cũ cũng khiến nó trông như mới hoàn toàn.

Bên cạnh việc chỉnh sửa, sự phối hợp phá cách rất được hoan nghênh. Ngay cả người tiêu dùng cũng có thể sáng tạo, tìm ra phong cách độc đáo, hợp với mình.

Trên toàn cầu, giới trẻ đang kêu gọi và tích cực chuyển đổi sang đồ cũ. Họ tự tin khoe các cách phối trang phục cổ độc lạ trên nhiều mạng xã hội, thu hút lượt thích và bình luận. “Tôi rất mong, đồ cũ sẽ trở thành thời trang đường phố”, Brynn Hemingway - nhà sáng tạo người Mỹ bày tỏ.

Tham gia vào trào lưu “cổ mới thời thượng” là dấu hiệu cho thấy, bạn am tường sức khỏe của hành tinh. Vì Trái đất, đồ cũ còn phải vượt lên cả sở thích, trở thành nghĩa vụ với tất cả mọi người”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/do-cu-len-ngoi-Ym6NpoXMR.html