Đồ chơi Trung thu: Biến ảo tạo lân, sư

Chớm thu, vợ chồng anh Bùi Viết Tưởng, trú tại thôn 2, xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội tất bật với việc sản xuất hàng Trung thu. Những con lân rực rỡ, ảo diệu, thiện - ác hiện dần trên đôi tay của người thợ hơn 10 năm gắn bó với nghề.

Đa dạng đầu lân, sư

Đa dạng đầu lân, sư

Đưa lân từ Nam ra Bắc

Trong căn nhà rộng khoảng 50m2, vợ chồng anh Bùi Viết Tưởng đang hối hả sản xuất những chiếc đầu lân truyền thống cho kịp đơn hàng. Nhu cầu chơi đầu lân dịp rằm tháng 8 tăng cao. Căn nhà chất đầy nguyên liệu của gần 30 chiếc đầu lân, đầu rồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Để kịp giao hàng, anh thuê thêm thợ làm công đoạn phụ, còn mình tự tay thao tác phần kỹ thuật cao, quyết định tính thẩm mỹ của “ngài” lân.

Anh Tưởng cho biết, từ bé rất thích xem múa lân, múa sư tử và lần đầu tiên được cầm chiếc đầu sư tử đơn sơ là dịp Trung thu năm 2004. Yêu thích, nhưng duyên bén nghề phải đến năm 2008, thời điểm anh Tưởng vào Nam. Tại đây, anh tham gia học võ, học múa lân tại Võ đường Chí Thiện ở tỉnh Bình Phước, được chỉ bảo nhiều điều từ cơ bản đến chuyên môn kỹ thuật làm đầu lân, đầu sư tử.

Thời điểm đó, múa lân đã phát triển rất mạnh ở TPHCM. Từ khai trương công ty đến khởi công công trình đều xuất hiện những đội múa lân. Các đoàn múa lân được thành lập, thành viên sống được với đam mê. Khăn gói trở về quê với vốn liếng là kỹ thuật của nghề múa, cách làm đầu lân, dụng cụ biểu diễn, anh Tưởng quyết tâm gây dựng môn nghệ thuật múa dân gian ngay tại nơi mình sinh sống, xa hơn là các vùng lân cận. Những ngày đầu khó khăn, có thời điểm, anh Tưởng nghĩ phải bỏ nghề. Dù vậy, nhờ sản phẩm làm ra đẹp, đạt chất lượng tốt nên số lượng đầu lân bán ra thị trường năm sau nhiều hơn năm trước.

Anh Tưởng bộc bạch: “Nghề gì thì cũng phải cần có sự đam mê. Muốn thành công với nghề làm lân sư rồng ngoài đam mê, cần sự kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính vì tình yêu với chiếc đầu lân và nghệ thuật múa lân truyền thống mà tôi đã làm công việc này hơn 10 năm nay với đầy nhiệt huyết”.

Theo anh Tưởng, để làm ra một chiếc đầu lân truyền thống, người thợ phải làm qua rất nhiều công đoạn. Đầu lân có hai loại, một làm bằng giấy bồi và loại làm bằng khung. Loại đầu lân làm bằng giấy bồi được thực hiện bằng cách đắp, dán, bồi giấy lên một khuôn có sẵn.

Theo đó, trên một khuôn xi măng hình đầu lân được đúc sẵn, người thợ lót giấy báo lên rồi bắt đầu cắt giấy roki (loại giấy dày, cứng, thường làm bao đựng xi măng) dán lên giấy báo phía dưới. Lớp giấy roki dày sẽ định hình chiếc đầu lân. Người thợ tiếp tục phơi khô, rồi bồi thêm các lớp giấy khác. Xong công đoạn mộc mới bước vào công đoạn trang trí. Lúc này, người thợ sẽ vẽ sơn tạo hồn cho đầu lân.

Với loại đầu lân bằng khung, phần giấy bồi sẽ được thay bằng khung mây tre đan; nghệ nhân sẽ dán giấy lên khung rồi trang trí. Việc làm đầu lân sư bằng khung sẽ tốn nhiều công sức hơn nhưng bù lại, đầu lân sẽ có độ bền tốt hơn.

Anh Tưởng chăm chú tạo tác đầu lân

Giai đoạn trang trí quyết định vẻ đẹp của một đầu lân sư rồng, thể hiện đẳng cấp tay nghề của nghệ nhân. Ngoài phối màu, dán bờm, công đoạn tinh tế nhất là làm cho đôi mắt lân sư có hồn nhất, bởi cặp mắt to, nhấp nháy là điểm hút ánh nhìn của người xem. Cho nên công đoạn vẽ mắt lân sư đòi hỏi đôi tay tài hoa và cả tâm hồn tình cảm của người làm lân.

Đang đảm nhận việc cắt kim sa, vải làm thân, rồi may vảy, chị Nguyễn Thị Mẫn (vợ anh Tưởng) cho biết, phần lông trang trí được dùng lông cừu, lông thỏ. Những phần đẹp nhất của tấm da thỏ, da cừu nguyên bản được chọn trang trí phối màu cho đẹp và sinh động. Để phần thân của lân sư uyển chuyển, bắt mắt thì sử dụng loại vải kim sa lấp lánh. Khi biểu diễn dưới ánh nắng mặt trời, ánh điện, ánh trăng sẽ rất siêu thực.

Khoảng 3 năm lại đây, nhu cầu, thị hiếu chơi lân sư của khách hàng, đặc biệt giới trẻ thay đổi. Cơ sở lân sư rồng của anh Tưởng chủ yếu sử dụng mây tre để làm khung. Cây mây phơi khô, chẻ nhỏ, vót mịn có độ dẻo cao nên dễ uốn. Những chiếc sừng được dán giấy trước khi ghép vào đầu lân. “Tạo bộ khung là công đoạn vô cùng quan trọng, quyết định hình hài, độ bền của đầu lân. Việc này cần tay nghề cao và chỉ làm thủ công thôi. Ngày nào cố lắm tôi cũng chỉ làm được hai đầu lân”, anh Tưởng nói thêm.

Tuy nhiên, để tăng hiệu suất công việc, cũng là để “ngài” lân sư đẹp hơn, xưởng của anh cũng áp dụng các công nghệ mới. Chẳng hạn, ở khâu tạo gáy cho đầu lân, thay vì phun màu trên giấy, anh chuyển sang biện pháp in nhiệt, tạo hình 3D trên vải để dán trực tiếp lên đầu lân. Việc này giúp, “ngài” lân chống nước tốt, có tuổi thọ cao.

Sống khỏe

Múa lân, sư tử hay múa rồng (thịnh hành nhất vẫn là múa lân) là một nghệ thuật dân gian lâu đời, được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu bởi theo quan niệm chung của người Á Đông, ba con vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông. Ngày nay, múa lân còn được biểu diễn hầu hết trong ngày tổ chức khai trương, thành lập công ty...

Vậy nên, người làm đầu lân có việc quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là mùa Trung thu khi nhu cầu múa lân tăng cao. “Công việc làm đầu lân thường dồn vào đầu tháng Bảy âm lịch, bởi khách hàng đặt nhiều và yêu cầu lấy hàng trước đêm rằm. Những ngày này, gia đình tôi phải thức làm cả đêm mới kịp trả hàng cho khách. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng”, anh Tưởng cho biết.

“Muốn thành công với nghề làm lân sư rồng cần nuôi dưỡng đam mê, sự kiên nhẫn, không ngừng sáng tạo. Dạy nghề cho lứa trẻ là cách gìn giữ nghề làm đầu lân truyền thống. Hơn nữa, sản phẩm lại được thu mua, nên các em có thêm thu nhập. Trò chơi dân gian được quan tâm, tôi tin người làm nghề sẽ sống được”. Anh Bùi Viễn Tưởng

Không chỉ cung cấp cho các đại lý quanh khu vực, sản phẩm của anh còn được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Riêng trong năm 2019, cơ sở của anh đã sản xuất, chế tác 150 con lân, 20 con rồng. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh, tính từ đầu mùa, cơ sở của anh Tưởng vẫn xuất ra thị trường khoảng hơn 50 đầu lân các loại. Với giá cả đa dạng từ 2,5 triệu - 5 triệu đồng/sản phẩm. Không chỉ phục vụ quanh khu vực Hà Nội, sản phẩm của anh Tưởng đã xuất khẩu đến các thị trường phía Nam.

Có niềm tin của khách hàng, nhưng anh từng trăn trở, hiện nay, số hộ gia đình giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ em ở Hà Nội chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Đồ chơi nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, đồ chơi cổ truyền bị thất thế. Thậm chí, có làng làm đèn ông sao phải bỏ nghề.

Tuy nhiên, choáng ngợp về cái tân kỳ rồi cũng qua, người ta bắt đầu điềm tĩnh hơn để nhìn lại. Tất cả đều hiểu giá trị riêng biệt của đồ chơi Trung thu truyền thống với niềm vui con trẻ, với văn hóa Việt.

Võ Hóa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/do-choi-trung-thu-bien-ao-tao-lan-su-1729082.tpo