Đồ chơi phát ra âm thanh có thể khiến trẻ bị điếc

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đưa ra nhiều dẫn chứng y khoa cho thấy đồ chơi phát ra âm thanh ẩn chứa nhiều nguy hiểm vô hình có thể khiến trẻ bị điếc.

Theo các bác sĩ hầu như em bé nào cũng có vài món đồ chơi phát ra âm thanh, nhất là những đồ chơi chạy bằng pin. Đáng lưu ý, những đồ chơi này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm với thính lực của trẻ.

Hội chứng “Điếc do tiếng ồn” ảnh hưởng đến khoảng 5,2 triệu trẻ em theo Trung tâm quốc gia thống kê sức khỏe Mỹ và rất nhiều nước như châu Âu, Mỹ, Canada đã có những quy định về âm lượng của đồ chơi do nguy cơ trẻ bị điếc do chơi với đồ chơi phát ra âm thanh ngày càng cao.

Cơ chế nghe của tai là khi âm thanh thổi sóng âm qua một buồng đầy chất lỏng và có hàng ngàn tế bào lông nhỏ là ốc tai, ốc tai sẽ giúp chuyển đổi âm thanh thành tin nhắn đến não. Nhưng khi tiếp xúc với những tiếng ồn rất lớn hoặc kéo dài, các tế bào này sẽ ngừng di chuyển. Nếu phải tiếp xúc với tiếng ồn liên tục, những tế bào này sẽ bất động và chết nên âm thanh không thể xử lý được nữa nên bị điếc.

Âm thanh quá lớn phát ra từ đồ chơi có thể khiến trẻ bị điếc.

Thông thường, giọng nói của chúng ta ở vào khoảng mức độ 55dB (đơn vị đo âm lượng). Những âm thanh trên 85 dB là quá to và có thể gây tổn hại đến tai. Âm thanh có ảnh hưởng đến khả năng nghe của con người hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: mức độ của âm thanh và thời gian tiếp xúc với âm thanh bao lâu.

Với những âm thanh trên 85dB tiếp xúc trong 8 giờ sẽ gây hại có thính giác. Cứ tăng thêm 3 dB thì giảm số thời gian tiếp xúc xuống một nửa, ví dụ 88dB là 4 giờ, 91dB là 2 giờ, trên 100dB chỉ nên tiếp xúc trong vòng 15 phút… với điều kiện nơi âm thanh phát ra cách người 25cm. Những người làm việc ở nơi có âm thanh trên 90dB thường phải đeo dụng cụ bảo vệ tai.

Tuy nhiên, khi trẻ chơi với những đồ chơi phát ra âm thanh, nguy cơ này sẽ cao hơn vì 2 lí do: Trẻ thường đưa đồ chơi đến gần mặt và tai để chơi nên sẽ nghe âm thanh to hơn. Tai trẻ em nhỏ hơn nên nguy cơ bị tổn thương ở cùng một mức độ âm thanh cao hơn người lớn.

Tiếp xúc liên tục với tiếng ồn lớn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ. Những trẻ sống gần sân bay, xe lửa hoặc nơi ồn ào dễ bị huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ, lo lắng và giảm khả năng tập trung. Những trẻ em có thính giác kém còn có lòng tự trọng thấp hơn, gặp nhiều vấn đề trong việc học tập và chậm nói hơn trẻ có thính giác tốt. Trẻ cũng dễ bị chẩn đoán nhầm là bị tăng động - giảm chú ý và phải uống thuốc, trị liệu do thiếu chú ý vì không nghe rõ mọi người nói gì.

NGUYỄN OANH

Những cách để hạn chế nguy hiểm từ đồ chơi phát ra âm thanh

Với các đồ chơi âm thanh mà bé hiện có, tháo pin, cắt dây âm thanh (với những đồ chơi cả tiếng và đèn) hoặc dán băng dính vào loa của đồ chơi để hạn chế âm thanh.

Cân nhắc trước khi mua đồ chơi cho con xem đồ chơi đó có cần tiếng hay không. Ví dụ, như các loại xe ôtô cứu hỏa, cảnh sát thì có thể mua loại không có tiếng và dạy bé cách bắt chước các âm thanh của xe khi chơi. Hay các loại búp bê, thú bông thì loại không có âm thanh sẽ rẻ hơn, dễ giặt hơn và có thể chơi phân vai, tưởng tượng được nhiều hơn, không bị giới hạn trong những câu đơn giản mà búp bê, thú bông nói.

Bố mẹ chỉ nên mua một vài loại đồ chơi phát ra âm thanh cần thiết như nhạc cụ, bếp nấu ăn... Bố mẹ cũng nên chú trọng âm thanh,bởi không chỉ ảnh hưởng đến thính giác mà còn đến khả năng thẩm thấu âm thanh của trẻ.

Giải thích cho bé rõ tác hại của đồ chơi phát ra âm thanh và dành nhiều thời gian để chơi với con những trò chơi không cần đồ chơi phát ra âm thanh như đọc sách, đua ô tô, xếp hình…

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/do-choi-phat-ra-am-thanh-co-the-khien-tre-bi-diec-12952.html