'Dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine sẽ thúc đẩy bình đẳng về y tế'

Việc Mỹ ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 sẽ đem đến nhiều hệ quả tích cực, nhưng quá trình chuyển giao công nghệ cần được thúc đẩy để gia tăng sản xuất.

Đại diện chính quyền Mỹ ngày 5/5 tuyên bố ủng hộ việc tạm thời gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Đây được coi là động thái giúp tăng cường năng lực sản xuất vaccine trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều chính trị tiến bộ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và một số quốc gia đang phát triển. Ở chiều ngược lại, các công ty dược phẩm lớn cho rằng động thái này sẽ không đem lại hiệu quả thực tế.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, Navya Dasari, thành viên tổ chức Liên minh Sinh viên cho các loại thuốc thiết yếu (UAEM), cho rằng việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine giúp thúc đẩy bình đẳng về y tế trên quy mô toàn cầu.

Quan điểm mới của Mỹ

- Bà nghĩ sao về quan điểm mới của Mỹ về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine? Tại sao chính quyền Tổng thống Joe Biden có quyết định này?

- Việc Mỹ ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine đánh dấu một thay đổi lớn. Trước đó, nước này không chỉ phản đối dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine mà còn thực thi chặt chẽ các nguyên tắc sở hữu trí tuệ quốc tế.

Đây là hệ quả của việc các nhà lãnh đạo quốc gia đang phát triển, các nhà vận động về y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những người ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới đã gây áp lực trong nhiều tháng qua.

Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận về vấn đề dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. New Zealand tuyên bố ủng hộ lập trường này ngay sau Mỹ. Nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán.

Dù Mỹ không ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi, vốn bao gồm cả các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị, sự thay đổi quan điểm của Mỹ là một điều tích cực.

Tuy vậy, việc đàm phán sẽ mất thời gian. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đặt ra thời hạn hoàn thành thỏa thuận là ngày 3/12.

 Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

- Theo bà, đâu là tác động của động thái này?

- Động thái của Mỹ không dẫn tới thay đổi nào ngay tức khắc. Tuy vậy, trong tương lai, nó có thể giúp gia tăng sản lượng vaccine, giảm thiểu các rào cản trong chuỗi cung ứng và giúp các nhà sản xuất mới gia nhập thị trường có thể xuất khẩu vaccine đến các quốc gia có nhu cầu mà không cần phải lo ngại về mặt luật pháp.

Đây cũng là quân bài quan trọng nhằm khuyến khích các công ty dược phẩm lớn như Moderna và Pfizer tự nguyện chia sẻ tri thức về vaccine và đẩy mạnh sản xuất.

Tuy vậy, điều này phụ thuộc vào áp lực của cộng đồng quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự khi đàm phán diễn ra. Một số quốc gia, dưới tác động của các công ty dược phẩm lớn, sẽ cố gắng làm suy yếu thỏa thuận xuống dưới mức có hiệu quả thực tế.

Phản ứng của thế giới

Navya Dasari, thành viên tổ chức Liên minh Sinh viên cho các loại thuốc thiết yếu (UAEM). Ảnh: Navya Dasari/Twitter.

- Đức tuyên bố phản đối từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Nước này cho rằng rào cản với việc sản xuất thêm vaccine là cơ sở hạ tầng và nguyên vật liệu. Bà đánh giá sao?

- Đầu tiên, các nhà vận động dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine cũng đang yêu cầu chính phủ các nước giàu, đặc biệt là Mỹ, đầu tư cho việc mở rộng sản xuất. Thứ hai, chính sách độc quyền sáng chế góp phần gây ra sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng, như trường hợp của hạt nano lipid. Thứ ba, nước Mỹ chúng ta thấy các xí nghiệp có thể chuyển sang sản xuất vaccine nhanh thế nào. Nếu rào cản nằm ở tri thức, chúng ta cần chuyển giao công nghệ.

Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo và các công ty dược phẩm lớn cho rằng các nhà khoa học ở quốc gia đang phát triển không có đủ kỹ năng và không thể được đào tạo để sản xuất vaccine đủ chất lượng. Đây là đánh giá đầy thành kiến, không đúng với tình hình.

Bản đồ thể hiện quan điểm của các nước với việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine đến ngày 9/5. Màu hồng là phản đối, màu vàng là đồng ý, màu xanh là chưa quyết định. Màu sắc của các nước EU thể hiện quan điểm chung của khối, dù từng nước thành viên có thể có quan điểm khác biệt. Ảnh: Andrew Stroehlein/Twitter.

Trên thực tế, bên cạnh dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần nhiều biện pháp khác để gia tăng sản lượng vaccine trong tương lai gần. Tuy nhiên, với việc một số quốc gia đang phát triển không thể tiêm phòng cho toàn bộ dân số đến năm 2024, hành động về lâu dài là cần thiết.

- Bà dự đoán thế nào về quan điểm của các bên khác như Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản…?

- Một vài quốc gia EU như Áo, Pháp, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha… đã công khai ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Tuy vậy, các nước này hầu như chỉ ủng hộ quan điểm của Mỹ, thay vì đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi, cũng như coi đây là “biện pháp cuối cùng”.

Tôi biết rằng Anh và Nhật Bản cũng đang đứng trước áp lực phải thay đổi quan điểm. Hy vọng các quốc gia sẽ đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Các bước đi trong tương lai

- Ngoài dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta còn có thể làm gì khác để đẩy mạnh sản xuất vaccine trên toàn thế giới?

- Chúng ta cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, dù là tự nguyện hay bắt buộc. Dù quyền sở hữu trí tuệ bị dỡ bỏ, chúng ta không thể đảm bảo rằng các công ty dược phẩm lớn sẽ chia sẻ bí mật kinh doanh của họ.

Tuy vậy, đã có tiền lệ về việc chuyển giao công nghệ trong đại dịch. Hãng dược phẩm Gilead tình nguyện chia sẻ bí quyết sản xuất thuốc kháng virus Remdesivir với các nhà sản xuất Ai Cập, Ấn Độ và Pakistan.

Một người dân Delhi, Ấn Độ được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters.

Mới đây, một công ty Canada tên là Biolyse tuyên bố họ có thể sản xuất vaccine của Johnson & Johnson, nhưng họ cần được chuyển giao các bí quyết công nghệ.

Các công ty dược phẩm cần chia sẻ bí quyết công nghệ dựa trên Quỹ Tiếp cận Công nghệ Phòng chống Covid-19 của WHO (C-TAP). Tuy vậy, chưa nhà sản xuất vaccine nào tham gia cơ chế này. Các quốc gia cũng cần đầu tư vào việc gia tăng năng lực sản xuất vaccine. Điều này cần hướng đến mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận với vaccine, thay vì lợi nhuận.

Nếu điều này xảy ra, sản lượng vaccine của thế giới sẽ gia tăng đáng kể ngay trong thời gian tới, trước khi các nước thành viên WTO có thể đạt được thỏa thuận về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

- Nếu các nước phát triển đồng ý dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, nó sẽ có tác động thế nào đến thị trường dược phẩm thế giới?

- Nhờ vào các hợp đồng béo bở và nguồn lực tài chính công cho việc nghiên cứu, các công ty dược phẩm lớn đang thu được nhiều lợi nhuận từ đại dịch. Họ vẫn sẽ hưởng lợi trong trường hợp các nước đang phát triển có thể tự sản xuất vaccine.

Do đó, việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không gây thiệt hại cho các công ty dược phẩm hay làm giảm động cơ đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp này.

Động thái của Mỹ mang tính lịch sử đối với ngành y tế toàn cầu, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, Mỹ dường như đang đánh giá lại các quan điểm đã tồn tại hàng chục năm.

Động thái của Mỹ sẽ giúp gia tăng sản lượng vaccine toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Khảo sát gần đây của Data for Progress cho thấy 60% người Mỹ được hỏi ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả các loại thuốc được dùng để cứu mạng sống con người.

Việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, chuyển giao công nghệ và gia tăng sản xuất ở các nước đang phát triển sẽ giúp thúc đẩy bình đẳng về y tế trên quy mô toàn cầu, cũng như tạo tiền lệ cho hợp tác quốc tế trong tương lai.

Nếu động lực của nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến từ chi tiêu công thay vì quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn cho các thách thức y tế trong tương lai.

Trước khi đại dịch bùng phát, các nghiên cứu về virus corona ít nhận được đầu tư do chúng không sinh lời. Hệ thống dược phẩm dựa trên lợi nhuận và các công ty độc quyền vaccine đã không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta.

UAEM ủng hộ một hệ thống nghiên cứu - phát triển hướng đến nhu cầu của cả các quốc gia đang phát triển, thay vì chỉ các thị trường màu mỡ nhất. Quyết định của ngày hôm nay có thể tạo tiền lệ cho một tương lai công bằng hơn.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/do-bo-quyen-so-huu-tri-tue-voi-vaccine-se-thuc-day-binh-dang-ve-y-te-post1213754.html