Dỡ bỏ lệnh cấm vận với Triều Tiên: Hàn Quốc sẽ phải 'xin ý kiến' Mỹ

Phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trước thềm bầu cử giữa kỳ của quốc hội Mỹ, được tổ chức tại thành phố Erie (tiểu bang Pennsylvania) hôm 10/10 theo giờ địa phương (tức rạng sáng 11/10 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hàn Quốc sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận Bình Nhưỡng mà không có sự chấp thuận của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về vấn đề Triều Tiên trong sự kiện diễn ra ở Erie (bang Pennsylvania) hôm 10/10

“Luật chơi” của ông Trump

Tuyên bố này của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra ít giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc phát biểu trước quốc hội nước này hôm 10/10, rằng một số biện pháp trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc đối với Triều Tiên đã được xem xét.

Ông Trump luôn khẳng định tiếng nói của mình xung quanh vấn đề Triều Tiên, cho rằng, ông đóng vai trò quyết định trong việc làm dịu tình hình trên bán đảo này, bởi vậy động thái cầu thị của Hàn Quốc trong thời gian qua khiến ông không hài lòng. Việc ông lên tiếng cảnh báo Seoul tự ý lên kế hoạch gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng mà không thông qua ý kiến của Mỹ, cũng chính là vạch ra một ranh giới chính thức để Seoul nhận thấy rằng Mỹ đang đứng ở đâu trong vấn đề Triều Tiên, và rằng, ai mới là người được quyền quyết định cuộc chơi.

Sẽ là điều dễ hiểu khi nhận ra chủ đích thực sự của ông Trump sau cảnh báo nêu trên. Dẫu đẩy mạnh các hoạt động hòa đàm để mở ra tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng ông thường xuyên lưu ý, cũng như khuyến khích các đồng minh của Mỹ duy trì các lệnh trừng phạt, ít nhất cho đến khi Bình Nhưỡng được xác nhận thực sự đã nghiêm túc trong vấn đề giải trừ năng lực hạt nhân - một trong những yêu cầu tiên quyết của ông Trump đối với Triều Tiên.

Đó là lý do khi được hỏi về các báo cáo gần đây liên quan tới diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng như Hàn Quốc đang cân nhắc loại bỏ một số biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên, ông Trump không ngần ngại khẳng định: “Họ sẽ không làm điều đó nếu không có sự chấp thuận của chúng tôi. Họ không làm gì (và không thể làm gì) nếu chúng tôi không đồng ý”.

Tranh cãi

Trở lại với thông tin từ Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc chia sẻ, một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã được xem xét. Cụ thể trong buổi điều trần trước quốc hội sáng 10/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, chính quyền đang xem xét việc liệu có dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt của Hàn Quốc đối với Triều Tiên hay không. Các lệnh trừng phạt này, còn được gọi là Biện pháp ngày 24/5, ngăn cấm gần như toàn bộ hợp tác kinh tế giữa Seoul với Bình Nhưỡng, được áp đặt sau vụ tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên vào một tàu chiến của Hàn Quốc năm 2010 gây nhiều thương vong. Việc bỏ qua các lệnh trừng phạt này được coi như là thiện chí lớn nhất của Hàn Quốc trong nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Kang Kyung-wha sau đó đã phải quay trở lại giải thích các bình luận của bà, sau khi phát biểu đã gây ra những lời chỉ trích từ một số nhà lập pháp bảo thủ, tuyên bố Triều Tiên trước tiên nên xin lỗi về vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng chính thức phủ nhận rằng chính phủ đang xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh đó giới ủng hộ cũng khá đông đảo để lên tiếng kêu gọi cần thiết giảm bớt sự trừng phạt, tương đồng với ý kiến của một số quốc gia liên quan.

Trung Quốc, Nga và Triều Tiên tin rằng cần phải xem xét điều chỉnh các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 10/10.

Trong một xác nhận hiếm hoi về sự bất hòa giữa Seoul và Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ “bất mãn” với hiệp ước quân sự liên Triều đã đạt được trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước. Đây cũng được coi là sự hiện thực hóa chủ trương của ông Trump về vấn đề Triều Tiên: Mọi cái cứ tiến triển, nhưng kết quả cuối cùng phải do Mỹ quyết định.

Trần Hạnh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/do-bo-lenh-cam-van-voi-trieu-tien-han-quoc-se-phai-xin-y-kien-my-3957091-b.html