Đổ bệnh vì trời nồm

Độ ẩm cao, không khí ẩm ướt; nền gạch, tường nhà đổ mồ hôi... khiến người dân miền Bắc đang phải trải qua những ngày vất vả khi sống chung với thời tiết khó chịu này

Cuộc sống của người dân Hà Nội những ngày qua bị đảo lộn bởi tiết trời ẩm ướt và mưa phùn kéo dài. Chị Lê Hải Hòa, ngụ tại phố Minh Khai - quận Hai Bà Trưng, phàn nàn: “Cả tuần qua, nền nhà lúc nào cũng nhớp nháp, có ngày tôi lau tới 4-5 lượt nhưng chỉ một lúc sau lại thấy ẩm ướt. Tường nhà, đồ đạc từ chỗ “đổ mồ hôi” chuyển sang mốc đen, quần áo phơi cả tuần chẳng những không khô mà còn bốc mùi ẩm mốc rất khó chịu”.

Trong khi đó, trời nồm ẩm ướt cũng khiến muỗi sinh sôi, tấn công mọi người. Thậm chí, nhiều gia đình phải mắc màn cho con ăn và học để tránh muỗi đốt. Không chỉ bị mẩn ngứa do muỗi đốt, nhiều người già, trẻ em còn đổ bệnh vì thời tiết. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Khoa Khám bệnh tự nguyện - Bệnh viện Nhi Trung ương, trời nồm kéo dài khiến dị nguyên nấm mốc, virus trong môi trường sinh sôi là tác nhân gây bệnh cho trẻ em. Đặc biệt, những bệnh lý liên quan đến cơ địa dị ứng, các bệnh lý mãn tính như hen phế quản, mề đay... khó thích nghi với kiểu thời tiết này.

Cơ thể trẻ nhỏ rất nhạy cảm với thời tiết nồm ẩm

Nồm ẩm còn có thể kéo theo các bệnh sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella, tay chân miệng tăng nhanh. “Mặc nhiều quần áo thì dễ đổ mồ hôi, thấm ngược làm trẻ bị cảm. Có thể số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp, liên quan đến cơ địa dị ứng sẽ còn tăng mạnh hơn nếu tình trạng nồm ẩm vẫn kéo dài”- bác sĩ Lộc nhận xét.

Với người già, thời tiết ở Hà Nội những ngày qua là nguyên nhân gây mệt mỏi, uể oải, mất ngủ... khiến chứng đau đầu, bệnh thấp khớp, tim mạch, hen suyễn, viêm phổi, viêm da và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi có cơ hội trỗi dậy. Không những thế, các bệnh trên da cũng lăm le bùng phát do tuyến bã nhờn tiết ra không bay hơi được gây mẩn ngứa, nổi mụn, ghẻ lở... Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết khi trời nồm, phần tế bào mặt ngoài da sẽ khô bong để lộ lớp tế bào non nên da dễ bị lở loét, nứt nẻ, dị ứng.

Để tránh bị bệnh những lúc trời nồm, người già và trẻ em cần hạn chế tiếp xúc độ ẩm như không tắm quá lâu, không đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, không mặc quần chưa khô…

Giới chuyên môn giải thích trời nồm là do hơi ẩm trong không khí cao. Đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh. Nấm mốc không chỉ xuất hiện ở những chỗ lộ thiên như tường, trần, sàn nhà, phòng vệ sinh, bồn tắm, dưới lớp giấy dán tường, thảm, đệm... mà còn là các vi nấm lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu mà mắt thường không thấy. Các bào tử nấm mốc này có thể gây ra những tác hại xấu cho sức khỏe con người.

Để đối phó với kiểu thời tiết khó chịu này, nhiều gia đình khi thấy nhà cửa ẩm ướt thì mở cửa thật thoáng hoặc bật quạt để hong khô. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, quan niệm này rất sai lầm. Một chuyên gia ở Viện Hóa học giải thích: “Càng mở cửa thì không khí ẩm bên ngoài bay vào càng nhiều, hơi nước càng ngưng tụ, ẩm mốc nhiều hơn. Cách đối phó tốt nhất là hạn chế mở cửa, thường xuyên lau nhà bằng khăn khô; có thể bật máy điều hòa không khí làm cho khô hoặc dùng máy hút ẩm. Khi thấy hiện tượng nấm mốc phải lau chùi ngay vì chúng phát triển rất nhanh, dễ gây bệnh”.

Thiết bị điện tử “trở chứng”

Trời nồm trong nhiều ngày qua cũng khiến các thiết bị điện tử hư hỏng. Anh Nguyễn Tiến Hùng, ngụ đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy – Hà Nội, cho biết: “Hơn tuần nay, chiếc tivi ở nhà tôi bỗng dưng “đổ bệnh”, bật lên chỉ nghe tiếng, gần nửa giờ sau mới thấy hình. Còn chiếc máy tính, dù tôi đã cẩn thận chuyển lên tận tầng 3 nhưng khởi động mấy lần mà màn hình vẫn đen sì. Mấy ngày nay, trước khi bật ti vi, máy tính, tôi phải dùng máy sấy cho bớt ẩm vì sợ lâu ngày sẽ chập điện”.

Theo các chuyên gia, để “phòng bệnh” cho các thiết bị điện tử, nên khởi động máy ít nhất mỗi ngày một lần nhằm tránh hơi nước xâm nhập hoặc luôn cắm điện ở chế độ chờ cho thiết bị không ẩm mốc; nên kê cao các thiết bị điện tử và không để sát với nền, tường nhà ẩm ướt.

Bài và ảnh: KHÁNH ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20120304110142318p0c1042/do-benh-vi-troi-nom.htm