Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liệu có 'phớt lờ' phương án phòng chống lũ?

Theo dự kiến vào tháng 6.2021, Hà Nội sẽ phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây là khu vực dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, vậy yêu cầu an toàn lũ lụt tại đây sẽ được giải quyết như thế nào?

Quy hoạch sông Hồng cho muôn đời sau

Theo phát biểu chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ, lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào ngày 10.3 tại hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) thì: “Đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay và quan trọng là đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua. Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của thành phố đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch này nhằm hiện thực hóa quy hoạch thủ đô từ năm 1954 đến nay, gần nhất là từ 10 năm trước; định hướng về không gian đô thị, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ…” [1].

Từ năm 1954 đến nay, có bảy lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành, mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ này, dù có khoảng 20 đề án, dự án liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã được trình lên.

Ước muốn sông Hồng có nhiều cầu, đường và công viên… nhưng dòng sông này còn phải gánh vác nhiều nhiệm vụ và đối mặt nhiều thách thức. Ảnh tư liệu sưu tầm

Ước muốn sông Hồng có nhiều cầu, đường và công viên… nhưng dòng sông này còn phải gánh vác nhiều nhiệm vụ và đối mặt nhiều thách thức. Ảnh tư liệu sưu tầm

Năm 2020-2021, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện đồ án; xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) về nội dung liên quan đến quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều; xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với việc cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng thủ đô. Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết năm 2016 Thủ tướng đã phê duyệt “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.” Thách thức lớn hiện nay chính là vấn đề biến đổi khí hậu, mức độ cực đoan của thời tiết khó lường. Quyết định 257 ra đời nhằm bảo vệ hạ du, đặc biệt là thủ đô Hà Nội của chúng ta với hai chỉ tiêu chính là cố gắng làm sao đưa cốt đê 13,4m để bảo vệ an toàn gần như tuyệt đối cho toàn bộ diện tích lõi nội đô của thành phố. Đồng thời, đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000m3/s.

Hà Nội tập trung nghiên cứu đồ án Quy hoạch nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. Tuy vậy đây là khu vực dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.

Trước những thách thức thiên tai và biến đổi khí hậu: Chiều cao đê 13,4m và ưu tiên không gian thoát lũ, nay còn ưu tiên không gian lưu trữ nước phòng hạn. Ảnh tư liệu sưu tầm

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Về việc cải tạo chỉnh trang khu vực bãi sông, chúng tôi rất muốn vừa là làm sao phát triển khu vực bãi sông, vừa đảm bảo đúng luật pháp để phát triển Thủ đô. Mỗi lần đi kiểm tra khu vực bãi sông là thấy những tồn tại mà chúng ta không thể để như thế này được. Nhưng để đảm bảo được việc này, rất mong thành phố xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô” [2]. Đến nay đã cuối tháng 5.2021 nhưng vẫn chưa thấy công bố “phương án phòng chống lũ”. Vậy Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến công bố vào tháng 6.2021, liệu có nội phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô?

Hà Nội đã đối mặt với lũ sông Hồng như thế nào?

Chỉ tính từ năm 1901, đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn, xảy ra vào tháng 8, cao điểm của mùa mưa bão, trong đó có những tình huống nghiêm trọng. Cụ thể:

Năm 1926 mức nước sông Hồng tại Hà Nội cao 11,93m, mấp mé kè sát vỉa hè Trần Nhật Duật. Địa hình khu này khá cao, không có đê nên nguy có tràn vào nội thành rất lớn vì đê Lâm Du đã vỡ, nước tràn sang vùng bờ Bắc rộng lớn: làng Bát Tràng như một hòn đảo nổi giữa biển nước. Sau trận lụt, Hà Nội đắp đê cao dần dọc theo phố, đổi hướng thoát nước sinh hoạt, nước mưa qua cống ra thẳng sông Hồng về phía Nam, qua Kim Ngưu xuôi về Yên Sở. Nhà nghiên cứu Địa lý nhân sinh Pierre Gourou (Pháp) ghi nhận khoảng 40 tỷ mét khối nước lũ sông Hồng tràn ra vùng đất trũng rộng hàng ngàn cây số vuông quanh Hà Nội, làm thay đổi cả địa hình địa mạo.

Năm 1971, nước cao tới 14,13 (mấp mé dầm cầu Long Biên), ngành giao thông phải cho đoàn tàu chở đá lên cầu Long Biên vì sợ lũ cuốn trôi. Các chuyên gia thủy lợi cho rằng đỉnh lũ có thể đạt 14,8 mét. Các địa phương quanh Hà Nội vỡ đê, làm ngập nước 356.000ha [3], lớn hơn diện tích tự nhiên Hà Nội (336.000ha).

Hà Nội mong muốn chung sống hài hòa với sông Hồng cả hai mùa mùa lũ/cạn: sông hiền hòa bên phố, phố an toàn trong sông. Ảnh tư liệu sưu tầm

Năm 1996, bão Niki (còn gọi là cơn bão số 4.1996) tại miền Bắc gây ra một trận lụt kinh hoàng. Dự báo sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, 13 đổ bộ vào Bắc Bộ theo hướng Tây bắc, dọc theo sông Hồng về phía thượng lưu, gây ra mưa rất to từ 300 - 400mm trên diện rộng. Trong khi hồ Hòa Bình nước cao, không thể cắt lũ thậm chí đập dâng cũng mất an toàn, nhưng nếu mở cửa đập xả lũ thì lưu lượng vượt mức, nguy cơ vỡ đê. Kèm theo bão lớn lại có triều cường - đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm, thậm chí còn xấu hơn cả trận lũ lịch sử năm 1971... Các chuyên gia đã trình phương án xấu nhất có thể phải nổ mìn vài nơi để giải cứu vỡ đập. Rất may cơn bão đổi hướng, nguy cơ giảm dần, tuy vậy những vận may liệu có lặp lại? Còn các yếu tố nguy cấp chồng lấn/đồng thời ngày càng nhiều với cường độ chỉ tăng mà không giảm ở phạm vi toàn cầu [4].

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội không chỉ có lũ lụt, nay còn đối mặt với không ít thử thách cam go: hạn hán do suy giảm nước đầu nguồn và biến đổi khí hậu toàn cầu; Suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất từ đầu nguồn cũng như suốt chiều dài dòng sông; Lại thêm nguy cơ xâm nhập mặn ngoài biền vào, trong khi nhu cầu dùng nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất cho 30 triệu người gia tăng. Khó khăn lớn nữa là không sẵn tiền trong khi đầu tư rất lớn, chỉ tính giải phóng mặt bằng, hạ tầng, làm cầu, kè cho 40 km nội thành có thể hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, thực hiện trong 20-30 năm. Những khó khăn đó cần một giải pháp tích hợp đa ngành, chỉ với kỹ năng “vẽ vời” chưa đủ mà cần có tư duy tổng hợp vượt trội.

Tuy vậy ngay tại khu vực này cũng có nhiều lợi thế: đó là toàn bộ sở hữu công đất đai được duy trì, nay cần phát huy để có thể huy động toàn bộ vào nhiệm vụ trọng yếu là chủ động thích ứng với thảm họa lũ lụt và khô hạn. Giá trị không gian cảnh quan rất cao nên thu hút đầu tư dễ dàng vào việc khai thác có điều kiện. Quan trọng là lợi ích này có được phân bổ công khai, công bằng, hiệu quả… dưới sự giám sát của tất cả các bên liên quan hay không? Những khó khăn kỹ thuật trước đây phức tạp mấy thì nay đã trở nên đơn giản hơn nhiều do thừa hưởng sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật của nhân loại, thậm chí nhiều giải pháp đã có sẵn dùng được ngay, đã được copy ngay trong hồ sơ Quy hoạch sông Hồng.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

__________

Chú dẫn:

[1] https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/co-ban-hoan-tat-quy-hoach-phan-khu-song-hong-638049/

[2] https://baotainguyenmoitruong.vn/quy-hoach-hai-ben-song-hong-xay-dung-phuong-an-phong-chong-lu-nam-trong-quy-hoach-thu-do-306819.html

[3] http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/Gioi-thieu/Lich-su-truyen-thong/Thanh-tuu-va-phong-trao/catid/73/item/2592/cong-tac-de-dieu--chong-lut-bao-trong-chien-tranh

[4] https://nongnghiep.vn/lu-lich-su-nam-1996-nguy-co-vo-de-song-hong-d274302.html

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/do-an-quy-hoach-phan-khu-do-thi-song-hong-lieu-co-phot-lo-phuong-an-phong-chong-lu-28792.html