Đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển: Bộ trưởng nói thẳng

Tất cả các chất thải khi chưa đánh giá, chưa phân tích mà đổ trực tiếp ra môi trường là không được''.

Sáng 10/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, trong ngày mai (11/11), Bộ sẽ làm việc với tỉnh Bình Thuận về vụ nhà máy điện Vĩnh Tân 1 đổ chất thải ra biển (phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Vĩnh Tân, Tuy Phong (Bình Thuận).

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

''Hiện nay, Bộ chưa nghiên cứu hồ sơ và công ty đã gửi đề án ra Tổng cục Biển hải đảo rồi để đề xuất. Bây giờ, những việc nhấn chìm hoặc đổ chất thải xuống biển lần đầu thì trong luật phải cho phép. Ví dụ trong nạo vét sông luồng lạch, luật cũng cho phép phải quy hoạch nơi đổ và phải đánh giá tác động nơi quy hoạch đấy.

Đương nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đổ ở đâu và đổ cái gì. Trong trường hợp nạo vét luồng lạch, phải quy hoạch, xem có ảnh hưởng đến các hệ sinh thái cần phải bảo tồn. Chẳng hạn, nếu gần khu bảo tồn một hệ sinh thái nhạy cảm thì không được.'' - Bộ trưởng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tế, doanh nghiệp luôn lựa chọn nơi thuận tiện nhất, chi phí rẻ nhất, nhưng với lĩnh vực môi trường thì phải chọn vị trí tác động ít nhất và không ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái.

Bài toán chất thải nhiệt điện

Ngoài ra, ông Trần Hồng Hà cho biết thêm, chất thải của nhiệt điện, có những loại hoàn toàn có thể tái chế, tái sử dụng như là nguyên liệu cho sản xuất…

Bộ trưởng Hà cho rằng, trong trường hợp xỉ thải đáy lò, sau khi xem xét cụ thể chất lượng xỉ thải, đánh giá thành phần, nếu không chứa các hàm lượng độc hại và đáp ứng được các tiêu chuẩn về làm nguyên liệu thay thế các nguyên liệu vật liệu xây dựng thì nhiều nước cũng đã sử dụng.

Ông lấy một ví dụ, các nước trên thế giới đã sử dụng những vật liệu đó để trộn vào trong các vật liệu xây dựng để phục vụ cho việc kè đê, kè biển.

Chính vì thế, ông Trần Hồng Hà nhận định, việc xem xét đổ hay tái sử dụng là một bài toán mà hiện nay, Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng phải xem xét đánh giá, đồng thời ban hành các quy chuẩn loại xỉ nào có thể làm vật liệu xây dựng, điều đó phụ thuộc vào thành phần chất thải.

Trên cơ sở đó, sẽ có phương án nhưng có thể khẳng định, cho đến bây giờ xỉ thải đó không được đổ trực tiếp ra biển. Như vậy, cần có đánh giá và có dự án để xem xét một cách kỹ lưỡng, không được đổ xuống biển trực tiếp.

Trước những ý kiến quan ngại rằng, việc đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển này có thể gây ra một Formosa thứ hai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh:

''Quan điểm của Bộ rất rõ ràng như tôi nói, tất cả đã có những quy định rất rõ ràng, trách nhiệm và thẩm quyền. Tất cả những hoạt động về nhấn chìm hoặc đổ chất thải ra biển phải thực hiện nghiêm ngặt, đánh giá rõ ràng xem tác động môi trường nào, luật pháp có cho phép hay không? Còn như tôi nói, tất cả các chất thải khi chưa đánh giá, chưa phân tích mà đổ trực tiếp ra môi trường là không được''.

Khu bảo tồn cần được bảo vệ

Trước đó, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (ĐBQH) cho biết:

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sẽ đề nghị với Bộ Nông nghiệp cũng như Bộ TN-MT phải rà soát, xem xét, đánh giá lại thật kỹ lưỡng, thận trọng và chặt chẽ về mặt khoa học trong vấn đề nhấn chìm 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển.

''Theo tôi nếu việc nhấn chìm chất thải này có ảnh hưởng đến vấn đề nuôi trồng thủy sản cũng như ảnh hưởng đến khu bảo tồn Hòn Cau thì đề nghị phải tính đến phương án khác.

Mục đích hướng tới là làm sao để đảm bảo an toàn môi trường, hệ sinh thái biển nói chung và đặc biệt là bảo vệ thật tốt khu bảo tồn Hòn Cau nói riêng. Bởi lẽ, khu bảo tồn biển này có thể nói là phong phú nhất của tỉnh Bình Thuận và của cả nước.'' - ông Cảnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận còn cho biết thêm, phía đoàn ĐBQH Bình Thuận cũng đang dự kiến sẽ có chương trình làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN-MT về vấn đề này.

Ngày 3/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đã có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc Bộ Tài Nguyên và Môi trường xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp phép "nhấn chìm" 1,5 triệu mét khối chất thải xuống biển, khu vực gần Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong.

Theo hồ sơ xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1, với số lượng lớn này, nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Đồng thời việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường...

Theo ước tính, nếu "nhấn chìm" xuống biển thì diện tích mặt biển chứa lượng chất thải này khoảng 30ha.

Vị trí xin xả thải cách đất liền khoảng ba hải lý và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam ).

Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc "nhấn chìm" vật liệu sau nạo vét xuống khu vực biển có diện tích 30ha tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường biển rất lớn, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Thu Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/do-15-trieu-m3-chat-thai-xuong-bien-bo-truong-noi-thang-3322723/