DNNN sau cổ phần hóa không lên sàn vì... nợ nhiều

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, doanh nghiệp sau cổ phần hóa không niêm yết là do nợ đọng quá lớn.

Ngày 8/7, hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cơ cấu lại DNNN 6 tháng năm 2019, đã diễn ra tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết, đến nay còn 796 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong số đó có 148 công ty đại chúng, có từ 100 cổ đông trở lên buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán theo Luật chứng khoán nhưng vẫn chưa thực hiện.

Lý do các DNNN sau cổ phần hóa không niêm yết trên sàn chứng khoán, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, là do nhiều doanh nghiệp có nợ đọng quá lớn. Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đi kiểm tra các DN này, đã xử phạt nhưng chỉ có 24 doanh nghiệp chịu nộp phạt.

Để gây sức ép buộc các DN sau cổ phần hóa phải nên sàn chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước không cho phép DN đã cổ phần tăng vốn nếu không niêm yết công khai trên sàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: "Tại sao như vậy, đã cổ phần hóa thì phải công khai, minh bạch chứ?".

“Nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp... mất nhiều thời gian”, Phó Thủ tướng nhận định.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hóa, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ việc đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có quy mô vốn Nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hóa kéo dài thêm từ 6 - 12 tháng.

Điểm mặt những ông lớn xin lùi cổ phần hóa

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.

“Tinh thần cẩn trọng là đúng và từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hóa thoái vốn trong thời điểm này, nhưng Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả. Cứ tròn vo đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được”, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu.

Được biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước đánh giá cụ thể để báo cáo Thủ tướng có biện pháp xử lý kịp thời.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dnnn-sau-co-phan-hoa-khong-len-san-vi-no-nhieu-3383425/