DNNN: Đổi mới mãi vẫn thua lỗ

KTNT Sáng nay (19/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo 'Đổi mới cơ chế giảm sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN'.

Hội thảo “Đổi mới cơ chế giảm sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN” nằm trong Chương trình Aus4Reform trị giá 6,5 triệu đô la Australia do Chính Phủ Australia tài trợ sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế, luật pháp và các thể chế quan trọng giúp nền kinh tế Việt nam có thể phát huy được tiềm năng của mình. Đồng thời đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những thông tin, kinh nghiệm, bài học về quản lý, giám sát DNNN vừa được cập nhật là những thứ đã biết, đã có từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 xuất hiện. Đã có hàng nghìn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước được tổ chức với hàng nghìn cán bộ chịu trách nhiệm giám sát DNNN tham gia. Nguồn tiền được lấy từ ngân sách, từ vốn ODA và cả tiền DNNN bỏ ra. Tuy nhiên, kết quả hiện nay lại là một hệ thống giám sát có vấn đề.

"Phải chăng Việt Nam là một học trò dốt, học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được gì?", bà Lan băn khoăn đưa ra câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), trong giai đoạn 2011 – 2016, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở dưới mức giá trị đã đầu tư. Nỗ lực xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém đến nay vẫn chưa hiệu quả, phục hồi chậm.

Nguyên nhân do việc giám sát DNNN chưa hiệu quả. Trước tiên là từ hệ thống pháp luật. Nghĩa là có sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước. Mặt khác, các quy định hướng dẫn chi tiết cách thức, công cụ thực hiện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực sự rõ ràng, gây lúng túng khi thực hiện.

Thứ hai là vấn đề nằm ở bộ máy, công cụ và cách thức triển khai. Ví dụ, trong triển khai và thực hiện, cơ quan giám sát bị thiếu thông tin, tính xác thực thông tin chưa cao…

Sự thiếu trách nhiệm, “cha chung không ai khóc” khiến việc chuyển đổi DNNN hiệu quả không cao.

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/dnnn-doi-moi-mai-van-thua-lo-post20789.html