DN Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về ATLĐ khi hợp tác với DN nước ngoài

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nhưng đòi hỏi về chuyên môn, trình độ và đặc biệt là về an toàn lao động cũng cao hơn.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở Việt Nam

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... Số liệu năm 2018, Việt Nam có 25.691 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các dự án FDI đã tham gia đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 198,13 tỷ USD, (chiếm 57,9% tổng vốn đầu tư); Tiếp đến là bất động sản với 51,84 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 21,71 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).

Có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, các DN FDI đã và đang thúc đẩy Việt Nam hội nhập với thế giới. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,53 tỷ USD (chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư); Tiếp đến là Bình Dương với 30,8 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,85 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư)…

FDI vào Việt Nam trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao. Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng.

Năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của doanh nghiệp FDI năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi lao động có trình độ cao

Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi lao động có trình độ cao, việc làm sử dụng lao động phổ thông sẽ giảm dần. Người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới.

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay. Một trong những đòi hỏi hàng đầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là về an toàn lao động. Đây có thể coi là những yêu cầu rất khắt khe nếu người lao động và doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho các tên tuổi lớn trên thế giới.

Ví dụ với xây dựng, để trở thành nhà thầu thi công cho những tập đoàn lớn như Lotte (Hàn Quốc) thì doanh nghiệp nội địa đương nhiên phải chứng minh năng lực đảm bảo an toàn cho người lao động trong những điều kiện thi công xây dựng khắc nghiệt nhất. Những điều kiện này bao gồm không chỉ quy trình an toàn mà còn rất nghiêm ngặt về cơ chế phản ánh và xử lý thông tin sự cố.

Do vậy, trước việc các bộ chức năng tập trung cải tổ chính sách để thu hút vốn FDI, thì việc hấp thụ có hiệu quả dòng vốn này liên quan thiết yếu đến việc các doanh nghiệp trong nước có theo kịp những đòi hỏi nói chung và an toàn lao động nói riêng của các nhà đầu tư quốc tế hay không.

Được biết tới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho lao động trong bối cảnh mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo nghề.

Ngọc Diệp

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dn-viet-nam-can-dap-ung-yeu-cau-ve-atld-khi-hop-tac-voi-dn-nuoc-ngoai-126766.html