DN Việt khó xuất khẩu gạo vì chưa được cởi trói hết?

Để xuất khẩu được, doanh nghiệp phải đi đường vòng, chấp nhận trả nhiều chi phí, giảm lợi nhuận và nhiều rủi ro khác.

Trong câu chuyện chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, kể cách đây không lâu, khi tham dự hội chợ về gạo tại Thái Lan, ông quyết định mang gạo Việt Nam theo giới thiệu. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên vì Thái Lan vốn là quốc gia xuất khẩu gạo mạnh, là đối thủ so kè của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Tôi chọn gạo ST của TS Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) mang sang chào hàng người dân nước bạn. Trong mấy ngày hội chợ, tôi đưa gạo ST ra nấu, mùi cơm thơm lừng, thêm chút nước mắm, nấm rơm, chà bông… và thế là rất đông người đến xếp hàng để thưởng thức. Sau đó, sáu đối tác Thái Lan đến đặt hàng mua gạo Việt Nam”, ông Thiện chia sẻ.

Điều đáng nói là dù đối tác Thái Lan muốn mua gạo Việt nhưng ông Thiện đành phải lắc đầu. “Tôi từ chối vì mình chưa có giấy phép xuất khẩu nên chưa thể ký kết với họ”, ông Thiện tiếc nuối. Ông cho hay hiện Cỏ May chưa đáp ứng đủ điều kiện có kho chứa theo quy định của Nghị định 107. Vì thế, hiện để xuất khẩu gạo sang Singapore, công ty phải thông qua một doanh nghiệp lớn có giấy phép xuất khẩu.

Ông Phạm Minh Thiện tại gian hàng của Công ty TNHH Cỏ May ở Hội chợ xuất khẩu ASEAN - Ấn Độ 2017. Ảnh: Báo Đầu tư

Ông Phạm Minh Thiện tại gian hàng của Công ty TNHH Cỏ May ở Hội chợ xuất khẩu ASEAN - Ấn Độ 2017. Ảnh: Báo Đầu tư

“Chúng tôi đang phải đi đường vòng, chấp nhận trả nhiều chi phí, giảm lợi nhuận và nhiều rủi ro khác để xuất khẩu sản phẩm gạo mang thương hiệu của mình sang Singapore. Nếu áp dụng cách này để xuất khẩu gạo sang Thái Lan thì công ty không có lời. Trong khi đó, nếu được xuất khẩu gạo trực tiếp thì công ty không phải tốn những khoản chi phí trên”, ông khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo khác cũng gặp những khó khăn tương tự do vướng các quy định tại Nghị định 107, chủ yếu là quy định thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, quy định thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo… đã khiến nhiều công ty nhỏ buộc phải đầu tư vốn lớn để xây kho chứa, nhà máy xay xát (vì đi thuê rất khó khăn).

Nghị định 107/2018 thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo được cho là đã cởi trói cho doanh nghiệp ngành lúa gạo để xuất khẩu khi tháo bỏ nhiều điều kiện vô lý, đặc biệt cái được lớn nhất là dấu ấn cải cách hành chính, giảm phí tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Khi Nghị định 107 ra đời, các chuyên gia ước tính, những quy định mới theo hướng cởi mở có thể giúp số lượng thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tăng thêm 50 - 60%. Thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều đầu ra mới trong điều kiện Việt Nam rất cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo để tránh phụ thuộc.

Bên cạnh đó, nghị định cũng giúp các sản phẩm gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tìm được thị trường, có cơ hội mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, với câu chuyện của doanh nghiệp kể trên, rõ ràng Nghị định 107 vẫn chưa thực sự cởi trói hết cho doanh nghiệp.

Theo quy định cũ, các doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa... Để đáp ứng những điều kiện này, các doanh nghiệp phải tốn chi phí từ 20 - 25 tỉ đồng.

Nghị định mới vẫn giữ lại các tiêu chí như phải có kho chuyên dùng, cơ sở xay xát phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dù đã bỏ đi những yếu tố kèm thêm về sức chứa hay công suất.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dn-viet-kho-xuat-khau-gao-vi-chua-duoc-coi-troi-het-3379168/