DN Việt khẩn trương khắc phục điểm yếu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

'Doanh nghiệp (DN) Việt Nam chậm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì vướng vào hàng loạt yếu điểm như: chất lượng chưa đạt, năng suất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thị trường xuất khẩu nhỏ hẹp,… ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án USAID Link SMS đã nhận định như thế tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề: 'Tăng cường liên kết của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu'.

“Doanh nghiệp (DN) Việt Nam chậm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì vướng vào hàng loạt yếu điểm như: chất lượng chưa đạt, năng suất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thị trường xuất khẩu nhỏ hẹp,… ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án USAID Link SMS đã nhận định như thế tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề: “Tăng cường liên kết của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28-11 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Koji Takamoto – Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, hầu hết DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam chỉ tham gia nhập khẩu và lắp ráp là chính, vì vậy giá trị cộng thêm không cao. Điều này vô hình trung không tạo lợi nhuận lớn, DN tại Việt Nam có thể cung ứng nguyên liệu, thiết bị.

“Tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt Nam ngày càng cao. Sau 5 năm, tỷ lệ cung ứng hàng hóa của DN Việt Nam cho DN Nhật Bản tăng từ 29% năm 2015 lên 33% vào năm 2017”, ông Koji Takamoto thông tin.

Xuất khẩu linh kiện, điện tử máy tính có kim ngạch cao nhưng phần lớn là của DN FDI.

Đánh giá cao tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong những năm gần đây nhưng phía Hiệp hội DN Nhật Bản mong muốn tỷ lệ này tăng cao hơn nữa. Bởi, theo khảo sát của Hiệp hội DN Nhật Bản, so với các nước khác thì DN Việt Nam còn chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, sau một thời gian dài nỗ lực phát triển, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ dừng lại ở mức 33%, trong khi Trung Quốc đạt 67%, Thái Lan 56%, Indonesia 45%.

“Các DN vừa và nhỏ Việt Nam chiếm đến 98% tổng số DN, đóng góp 45% GDP cả nước, nhưng nghịch lý ở chỗ chỉ có 21% DN vừa và nhỏ có hoạt động cung ứng cho các DN lớn. DN Việt Nam chậm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì vướng vào hàng loạt yếu điểm như: chất lượng chưa đạt, năng suất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, thị trường xuất khẩu nhỏ - hẹp”, ông Ron Ashkin phân tích.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là DN trong nước phải nỗ lực tìm cách tiếp cận và cung ứng nguyên liệu, thiết bị cho DN FDI.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia nước ngoài, DN Việt Nam có quá nhiều điều kiện tốt để gia tăng xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vì nhà đầu tư nhiều, dày đặc danh sách về các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đây là “cầu nối” hữu hiệu nhất. Vì vậy, DN cần chủ động để nắm bắt cơ hội.

“Trên 100 nước tham gia đầu tư tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ 71%. Đây chính là cơ hội tốt để DN kết nối, cung ứng sản phẩm cho DN nước ngoài. Từ đây, DN nội địa mới tham gia tốt chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò của DN FDI hoạt động tại Việt Nam, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết những năm gần đây, các DN xuất khẩu đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dự kiến đạt kim ngạch 240 tỷ USD năm 2018, tăng trưởng 10-12% so với 2017.

Trong 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, DN trong nước đạt hơn 56,8 tỷ USD, tăng 16,8%. DN FDI đạt hơn 143 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước như: điện thoại và linh kiện đạt 40,7 tỷ USD (tăng 10,6%), dệt may đạt 25,2 tỷ USD (tăng 17,5%), điện tử - máy tính - linh kiện đạt 24,3 tỷ USD, tăng 15%, giày dép hơn 13 tỷ USD... Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng mạnh như rau quả, cà phê, gạo...

Theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào năm 2020 sẽ tăng gấp 3 lần so với 2010 và cân bằng cán cân thương mại 2020 và đạt thặng dư thương mại năm 2021-2030. Nhưng thực tế, 10 tháng 2018, Việt Nam xuất siêu khá mạnh, trong khi đề án 2021 trở đi Việt Nam mới xuất siêu. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN xuất khẩu.

Tuy nhiên, để DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, DN phải đổi mới bằng những hành động cụ thể để liên kết chặt với DN FDI chứ không dừng lại việc lên kế hoạch.

Kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi DN phải phân tích năng lực của chính mình để biết mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, người mua cần gì, khả năng đáp ứng của mình đến đâu? Nói chung là nhìn lại những ưu điểm, khuyết điểm, của DN để chấn chỉnh kịp thời. Về phía Nhà nước, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm hỗ trợ sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu...

T. Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/dn-viet-khan-truong-khac-phuc-diem-yeu-tham-gia-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau-522670/