DN nông nghiệp: Muốn tồn tại phải ứng dụng KHCN

Tiếp cận khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm và nông nghiệp đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn đang ở mức khởi điểm.

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE): "Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, ATE tích cực tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại khu vực và thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại sẽ cạnh tranh quyết liệt với chúng ta ngay trên sân nhà. Trong khi đó, trình độ của chúng ta còn nhiều hạn chế, sản phẩm ít có tính cạnh tranh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay muốn phát triển không có con đường đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh và để tồn tại và phát triển".

Trong nhà máy sản xuất dừa tươi của Cty Hamona.

Hiện, các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm và nông nghiệp, thiếu liên kết với các phòng thí nghiệm trọng điểm, thiếu vốn, thiếu năng lực và chuyên môn để nắm bắt đổi mới công nghệ hiệu quả và hưởng lợi từ cải cách công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu là họ gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện đổi mới và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Do đó, họ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài.

Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai, vốn và công nghệ. Hiện, cả nước mới chỉ có 6 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Theo khảo sát của Dự án Vườn ươm Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Incubator - V2I) do BK-Holdings được IPP tài trợ thực hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu chuyển dịch từ sản xuất nguyên liệu thô sang chế biến mang lại giá trị gia tăng cao nhằm mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường phát triển.

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings), đánh giá: "Việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, chưa tính đến sự khan hiếm của các nghiên cứu thị trường và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn cho việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và tiếp cận với thị trường quốc tế".

Nỗi lo thực phẩm không an toàn, nhiều gia đình đã tự trồng rau trên sân thượng, ngoài ban công… nhờ tư vấn về công nghệ của The Gardener.

Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đầu tư và hướng tới thị trường quốc tế, thiếu khả năng và chuyên môn để tiếp thu hiệu quả và hưởng lợi từ các cải tiến công nghệ và trong hầu hết các trường hợp, không có khả năng tiếp cận thông tin liên quan ở thị trường quốc tế. Mặt khác, việc tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các dịch vụ tư vấn đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế, chất lượng của các dịch vụ này cũng không được bảo đảm. Một vài nhà cung cấp dịch vụ đang nỗ lực cung cấp các gói dịch vụ này, tuy nhiên, những cố gắng của họ vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ và việc chia sẻ thông tin giữa những doanh nghiệp này chưa thật sự thường xuyên. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng.

CEO của Cty Hamona Nguyễn Hoàng Long, doanh nghiệp cung cấp dừa tươi cao cấp, là công ty nhận hỗ trợ từ công nghệ từ BK-Holdings, cho biết: “Hiện, nông dân chủ yếu tự tiêu thụ hoặc thông qua lái buôn nhiều tầng lớp, không có bất kỳ quy chuẩn nào cho việc tiêu thụ, những vườn dừa đều có quy mô nhỏ (từ 40-70 cây/vườn). Vì thế, Hamona muốn biến điểm yếu thành điểm mạnh riêng chứ không thể so sánh với Thái Lan hay bất kỳ một nước nào khác. Do đó, Hamona đã hợp tác với các nhà vườn giúp các chủ vườn tăng 50% và có thu nhập ổn định. Chưa có nhà vườn nào phá vỡ hợp đồng. Cty Hamona đã thiết lập trạm thu mua ở Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Sau 10 năm sẽ tiêu thụ 20.000ha, liên kết với khoảng 40.000 hộ, tiêu thụ ở các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu”.

Ông Vũ Xuân Linh, sáng lập viên của The Gardener, doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc vườn nhà tự động, cho biết, Cty làm nông nghiệp trong thành phố, giúp các gia đình trồng cây, rau xanh tại nhà nhưng không có kinh nghiệm về chăm sóc. Được sự hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ, The Gardener đã có mặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế… giúp người dân giải quyết một phần nào về nỗi lo thực phẩm không an toàn hiện nay.

V2I - Dự án được tài trợ bởi IPP, được lập thành bởi 3 đơn vị thành viên: BK-Holdings (ĐHBK HN), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) Việt Nam và công ty tư vấn luật BDIC. V2i cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp về đổi mới khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất; về tìm kiếm nguồn vốn phát triển kinh doanh; và các vấn đề pháp lý, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ. Trước hết, V2I tập trung tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh thành trong khu vực đồng bằng sông Hồng. V2I mong muốn mang những cải tiến khoa học kỹ thuật tiên tiến và hiện đại để tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành Nông nghiệp Việt Nam, nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung cả xã hội.

Dương Thanh

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dn-nong-nghiep-muon-ton-tai-phai-ung-dung-khcn-post2122.html